ÁP DỤNG TIÊU CHUẨN QUỐC GIA 13586:2022 KHO BẢO QUẢN HIỆN VẬT BẢO TÀNG - CÁC YÊU CẦU TẠI BẢO TÀNG TÔN ĐỨC THẮNG

ÁP DỤNG TIÊU CHUẨN QUỐC GIA 13586:2022 KHO BẢO QUẢN HIỆN VẬT BẢO TÀNG - CÁC YÊU CẦU TẠI BẢO TÀNG TÔN ĐỨC THẮNG

Ngày đăng: 26/07/2025
In Trang
Cỡ chữ

    Trần Nam Phi

    Bảo tàng Tôn Đức Thắng

    Email: tnphi.svhtt@tphcm.gov.vn

    Trong mỗi bảo tàng, nơi có thể ít được chú ý nhất đối với khách tham quan nhưng lại đóng vai trò quan trọng bậc nhất, chính là kho bảo quản hiện vật. Đây là nơi gìn giữ những giá trị nguyên gốc, tinh túy của di sản văn hóa, là điểm tựa âm thầm nhưng không thể thiếu để các trưng bày ngoài kia có được sự sống động, chính xác và trường tồn. Việc chuẩn hóa các điều kiện kỹ thuật cho kho bảo quản không chỉ là yêu cầu vận hành nội bộ, mà còn là một bước tiến quan trọng để từng bảo tàng bước gần hơn đến trình độ chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế. Do đó, việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại là điều kiện tiên quyết để bảo đảm hiện vật được bảo vệ trong môi trường tối ưu.

    Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13586:2022 - Kho bảo quản hiện vật bảo tàng - Các yêu cầu, là văn bản đầu tiên ở Việt Nam thiết lập hệ thống yêu cầu kỹ thuật chuyên ngành dành riêng cho kho bảo quản hiện vật. Tiêu chuẩn được ban hành theo Quyết định số 1897/QĐ-BKHCN ngày 23 tháng 9 năm 2022, do Cục Di sản văn hóa biên soạn trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn BS EN 16893:2018 của Vương quốc Anh. Với 15 nhóm yêu cầu bao trùm từ yếu tố vật lý, môi trường đến an toàn kỹ thuật, TCVN 13586:2022 không chỉ là hướng dẫn kỹ thuật mà còn là công cụ quản lý rủi ro toàn diện trong hoạt động bảo quản di sản.

    Tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng, nơi đang lưu giữ hàng nghìn hiện vật gốc có giá trị lịch sử, văn hóa liên quan đến Chủ tịch Tôn Đức Thắng, hệ thống kho bảo quản đã được xây dựng với diện tích 560 m², bố trí tại tầng 2 của tòa nhà bảo tàng mới. Hệ thống kho được chia thành các không gian chuyên biệt theo chất liệu hiện vật như giấy, gỗ, vải, kim loại, phim ảnh, tranh tượng... Điều này cho phép áp dụng phương pháp bảo quản phù hợp với từng loại hiện vật, hạn chế tương tác vật lý và hóa học có thể gây hư hại.

    Về mặt kỹ thuật, hệ thống kho hiện hữu đáp ứng khá tốt các yêu cầu về độ kín, độ bền kết cấu, hệ thống thông gió – điều hòa và kiểm soát độ ẩm. Nhiệt độ dao động trong khoảng 18°C đến 22°C, độ ẩm tương đối trong khoảng 40–50%, phù hợp với hầu hết nhóm chất liệu. Tuy nhiên, việc kiểm soát ánh sáng vẫn còn hạn chế: hệ thống chiếu sáng chưa có bộ lọc UV, vẫn có thể dẫn đến phát xạ UVA vượt ngưỡng khuyến nghị đối với hiện vật nhạy sáng như giấy, phim, vải. Kho chưa có thiết bị giám sát môi trường tự động hoặc hệ thống cảnh báo kịp thời khi các chỉ số vượt giới hạn an toàn. Ngoài ra, một số yếu tố khác như cửa kho chưa có ron chống bụi và côn trùng, hệ thống giá kệ chưa bảo đảm khoảng cách tối thiểu với mặt sàn hoặc cố định chắc chắn, và việc kiểm soát vào, ra kho vẫn sử dụng hình thức truyền thống chưa tích hợp công nghệ nhận diện hoặc thẻ từ. Những điểm này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả bảo quản lâu dài và cần sớm được khắc phục để tiệm cận với các tiêu chuẩn hiện đại.

    Trên cơ sở đánh giá thực trạng, đơn vị đã tổ chức sinh hoạt chuyên môn và xây dựng kế hoạch “"Áp dụng Tiêu chuẩn quốc gia 13586:2022 Kho bảo quản hiện vật bảo tàng - Các yêu cầu tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng” nhằm đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn để lưu giữ hiện vật, tài liệu an toàn, lâu dài, ngăn ngừa tác động tiêu cực từ môi trường, sinh vật gây hại và rủi ro như cháy nổ, góp phần hiện đại hóa hệ thống kho bảo quản hiện vật, tài liệu liên quan đến Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Trên cơ sở đó, bảo tàng triển khai một số giải pháp cụ thể:

    Thứ nhất, bổ sung thiết bị đo lường chuyên dụng phục vụ công tác bảo quản hiện vật, tài liệu trong kho theo tiêu chuẩn chuyên môn. Cụ thể, đầu tư mua thiết bị đo bức xạ tia cực tím (UV) và thiết bị đo cường độ ánh sáng nhằm theo dõi, kiểm soát các yếu tố môi trường có nguy cơ ảnh hưởng đến độ bền và tính nguyên trạng của hiện vật, tài liệu, sẽ giúp kiểm soát chủ động, cảnh báo sớm khi điều kiện môi trường thay đổi đột ngột, qua đó giảm thiểu nguy cơ hư hại hiện vật.

    Thứ hai, hệ thống chiếu sáng cần được cải tạo bằng cách sử dụng đèn LED chuyên dụng có bộ lọc UV hoặc bổ sung màng lọc UV cho đèn hiện có. Kết hợp với cảm biến chuyển động để bật/tắt đèn tự động, hạn chế thời gian chiếu sáng không cần thiết, nhất là đối với các khu vực lưu trữ hiện vật nhạy sáng.

    Thứ ba, bố trí lại giá tủ bảo quản một cách khoa học, đảm bảo khoảng cách tối thiểu 15cm với mặt sàn, sử dụng vật liệu không phát thải hợp chất bay hơi độc hại, không bị ăn mòn, và có kết cấu chắc chắn chống rung lắc. Các nhóm hiện vật cần được phân loại và bố trí riêng biệt, hỗ trợ kiểm kê và truy xuất thuận tiện.

    Thứ tư, tăng cường an ninh kho thông qua việc lắp đặt ron cửa chống bụi và côn trùng, tích hợp hệ thống khóa truy cập thông minh như thẻ từ hoặc sinh trắc học. Việc kết nối dữ liệu truy cập với hệ thống giám sát giúp nâng cao mức độ kiểm soát và an toàn.

    Thứ năm, nâng cấp hệ thống điều hòa không khí, tích hợp cảm biến theo dõi nhiệt độ, độ ẩm, bổ sung hệ thống báo động và chống đột nhập và camera an ninh vào một mạng lưới điều khiển trung tâm có khả năng truyền cảnh báo từ xa. Hệ thống này phải có khả năng lưu trữ và trích xuất dữ liệu phục vụ công tác thống kê, phân tích và báo cáo chuyên môn.

    Tóm lại, trong bối cảnh các thiết chế bảo tàng đang nỗ lực đổi mới để phục vụ tốt hơn cho cộng đồng và hội nhập sâu với mạng lưới bảo tàng khu vực, việc nâng cao chất lượng kho bảo quản là điều kiện tiên quyết. Việc áp dụng tiêu chuẩn TCVN 13586:2022 vào hệ thống kho bảo quản hiện vật tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng không chỉ nâng cao hiệu quả bảo tồn mà còn khẳng định bước chuyển mình chuyên nghiệp trong công tác bảo tàng, nhất là trong bối cảnh nhu cầu bảo tồn di sản đang ngày càng được đặt ra như một tiêu chí phát triển văn hóa bền vững./.

    Hệ thống kho bảo quản Bảo tàng Tôn Đức Thắng.

     

    Viên chức phụ trách công tác bảo quản kiểm tra kho.

     

    Hệ thống tủ di động.

     

    Tài liệu tham khảo

    - Bộ Khoa học và Công nghệ (2022), Quyết định công bố tiêu chuẩn quốc gia về Kho bảo quản hiện vật bảo tàng, số 1897/QĐ-BKHCN, ngày 23/9/2022.

    - Bộ Khoa học và Công nghệ (2014), Quyết định công bố tiêu chuẩn quốc gia về Di sản văn hóa và các vấn đề liên quan - Thuật ngữ và định nghĩa chung, số 3677/QĐ-BKHCN, ngày 31/12/2014.

    - Bộ Khoa học và Công nghệ (2018), Quyết định công bố tiêu chuẩn quốc gia về Phin lọc không khí cho hệ thống thông gió chung – Phần 1: Quy định về kỹ thuật, yêu cầu và hệ thống phân loại dựa trên hiệu suất hạt lơ lửng (ePM), số 4212/QĐ-BKHCN, ngày 28/12/2018.

    - Thủ tướng Chính phủ (2014), Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật phòng cháy và chữa cháy, số 79/2014/NĐ-CP, ngày 31/7/2014.

    Ghi rõ nguồn baotangtonducthang.vn khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.

    Giờ mở cửa

    Bảo tàng Tôn Đức Thắng tổ chức phục vụ hoạt động thăm viếng, dâng hoa, dâng hương, tham quan hệ thống trưng bày giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng (số 5 đường Tôn Đức Thắng, phường Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh) từ ngày 03 tháng 01 năm 2025 (Các ngày trong tuần trừ Thứ Hai).
    Buổi sáng: Từ 07 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút, 
    Buổi chiều: Từ 13 giờ đến 17 giờ.

     

    Địa chỉ

    Xem bản đồ chỉ đường
    Đăng ký tham quan