Đề xuất hoàn thiện quy trình thiết kế trưng bày - Từ kinh nghiệm thực tiễn

Đề xuất hoàn thiện quy trình thiết kế trưng bày - Từ kinh nghiệm thực tiễn

Ngày đăng: 26/12/2023
In Trang
Cỡ chữ

    Bảo tàng Tôn Đức Thắng

         (Tham luận Hội nghị - Hội thảo Sơ kết thực hiện Quyết định số 60/QĐ-BVHTTDL ngày 07 tháng 01 năm 2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình cung cấp dịch vụ và định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, bảo quản, trưng bày và phát huy gía trị di sản văn hóa của bảo tàng công lập).

         Nhằm đáp ứng nhu cầu giáo dục thế hệ trẻ và nâng cao hiểu biết của công chúng về lịch sử Việt Nam cận hiện đại, gắn kết lịch sử, cuộc đời và đạo đức của Chủ tịch Tôn Đức Thắng với những vấn đề bức thiết hiện nay mà xã hội đang quan tâm, đồng thời phải đổi mới để trở thành một địa chỉ văn hóa, điểm đến du lịch hấp dẫn của Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2013, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã đề xuất việc đổi mới, chỉnh lý trưng bày và trình Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) xem xét. Công tác đổi mới trưng bày chính thức bắt đầu thực hiện từ tháng 12 năm 2014, khi Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố phê duyệt đề cương chỉnh lý trưng bày Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Trước đó, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ủy quyền Sở Văn hóa và Thể thao phê duyệt đề cương chỉnh lý trưng bày Bảo tàng Tôn Đức Thắng.

         Từ tháng 3 năm 2017, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo về chủ trương đầu tư xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Đến tháng 12 năm 2017, dự án đầu tư xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua chủ trương đầu tư công, theo Nghị quyết số 29/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân thành phố.

         Từ đầu năm 2018 đến tháng 4 năm 2019, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã đề xuất xin chủ trương thực hiện tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình và tổ chức tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình, báo cáo kết quả cho Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh. Với mục tiêu xây dựng mới một bảo tàng quan trọng và tiêu biểu của thành phố, là công trình hiện đại, độc đáo và đáp ứng các yêu cầu đổi mới về các hoạt động của bảo tàng, tạo không gian trưng bày mới, mở rộng diện tích kho bảo quản, các chuyên đề trưng bày về Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Xứng tầm với sự giáo dục truyền thống về sự đóng góp to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đối với sự nghiệp đấu tranh dành độc lập cho dân tộc và hòa bình cho thế giới. Tháng 8 năm 2019, Ủy ban nhân dân thành phố đã phê duyệt Phương án thiết kế kiến trúc Xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng.

         Tuy nhiên, đến tháng 11 năm 2019, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Văn hóa và Thể thao, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã chuyển giao toàn bộ hồ sơ pháp lý dự án, cũng như vai trò chủ đầu tư cho Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố).

         Công trình Xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã chính thức khởi công vào ngày 12/10/2020, nhân dịp chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI.

         Trước đây, trong thời gian được giao làm chủ đầu tư dự án, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã gặp khó khăn, vướng mắc trong việc lập, trình phê duyệt dự toán dự án, vì chưa có cơ sở quy định pháp luật về trình tự, thủ tục và nội dung lập, trình, thẩm định, phê duyệt dự toán trưng bày, đồng thời công tác trưng bày bảo tàng cũng không thuộc các quy định về đầu tư xây dựng công trình. Và chúng tôi cũng rất tiếc rằng, nội dung của Quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình cung cấp dịch vụ và định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, bảo quản, trưng bày và phát huy gía trị di sản văn hóa của bảo tàng công lập chưa được ban hành vào thời điểm trên, để có thể vận dụng vào công tác chuẩn bị đầu tư của dự án Xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng.

         Hiện nay, Bảo tàng Tôn Đức Thắng chỉ có vai trò của đơn vị thụ hưởng và phối hợp với đơn vị chủ đầu tư dự án trong việc xây dựng nội dung trưng bày bảo tàng thuộc dự án, cũng như phối hợp thực hiện các công tác khác liên quan đến trưng bày mới.

         Kể từ đầu năm 2021, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã vận dụng theo Quyết định số 60/QĐ-BVHTTDL ngày 07 tháng 01 năm 2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình cung cấp dịch vụ và định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, bảo quản, trưng bày và phát huy gía trị di sản văn hóa của bảo tàng công lập, để đề xuất với đơn vị chủ đầu tư trong phối hợp xây dựng nội dung trưng bày bảo tàng thuộc dự án.

         Có thể nói, việc ban hành Quyết định số 60/QĐ-BVHTTDL tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quy trình, định mức khi lập kế hoạch của các bảo tàng công lập, liên quan đến các công tác nghiệp vụ bảo tàng: Sưu tầm, bảo quản, trưng bày,… và nhất là thiết kế trưng bày bảo tàng.

         Theo quy định, thiết kế trưng bày theo Điều 12 của Quyết định số 60/QĐ-BVHTTDL có trình tự gồm 09 bước, như sau:

         Bước 1: Thiết kế ý tưởng cho trưng bày

         Bước 2: Phê duyệt ý tưởng cho thiết kế trưng bày

         Bước 3: Thiết kế sơ bộ trưng bày

         Bước 4: Phê duyệt Thiết kế sơ bộ trưng bày

         Bước 5: Thiết kế tổng thể trưng bày

         Bước 6: Phê duyệt Thiết kế tổng thể trưng bày

         Bước 7: Thiết kế chi tiết trưng bày

         Bước 8: Phê duyệt Thiết kế chi tiết trưng bày

         Bước 9: Lập Hồ sơ thi công trưng bày

         Trình tự thực hiện thiết kế trưng bày theo Quyết định số 60/QĐ-BVHTTDL đã được quy định cụ thể, hợp lý. Tuy nhiên, trong thực tế cần tiếp tục xem xét những vấn đề sau:

         Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 60/QĐ-BVHTTDL là về tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình cung cấp dịch vụ và định mức kinh tế - kỹ thuật tổ chức các hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, bảo quản trưng bày và phát huy giá trị di sản văn hóa của bảo tàng công lập sử dụng ngân sách nhà nước. Do đó, như trong trường hợp thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng chỉ có thể vận dụng các bước trong quy định thiết kế trưng bày tại Điều 12 của Quy định, mà không thể áp dụng trực tiếp vào dự án, đồng thời việc vận dụng này cũng không thể bắt buộc chủ đầu tư dự án phải thực hiện, nếu quy định này vẫn chưa đồng bộ với các quy định về đầu tư xây dựng công trình.

         Hiện nay, Bộ Xây dựng cũng chưa ban hành các quy định chi tiết đối với đầu tư xây dựng công trình văn hóa - bảo tàng. Vì vậy, cần có sự điều chỉnh để đạt được sự đồng bộ giữa Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 60/QĐ-BVHTTDL với các quy định có liên quan. Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình (công trình dân dụng), cần xác định đi cùng với quy trình trong thiết kế phương án xây dựng công trình.

         Cơ sở cho đề xuất nêu trênlà xem xét theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 3 của Thông tư số 06/2021/TT-BXD ngày 30 tháng 6 năm 2021 của Bộ Xây dựng quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng: “Xác định công trình có yêu cầu phải lập chỉ dẫn kỹ thuật riêng”. Đồng thời, theo phân cấp công trình sử dụng cho mục đích dân dụng (công trình dân dụng) tại Phụ lục I Thông tư số 06/2021/TT-BXD ngày 30 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, phân cấp công trình xây dựng theo mức độ quan trọng hoặc quy mô công suất.

         Thứ hai, cần xem xét bổ sung quy định về hồ sơ tương ứng với các bước theo trình tự thiết kế trưng bày, đồng thời cần ban hành quy định về điều kiện của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thiết kế trưng bày.

         Thứ ba, về định mức kinh tế - kỹ thuật cho hoạt động thiết kế trưng bày bảo tàng, định mức này nằm trong khoản quy mô trưng bày bố trí sử dụng mặt bằng nhỏ hơn 100m2 đến dưới 300m2, tuy nhiên trong thực tế có thể ở phần lớn các bảo tàng, khu di tích, khu lưu niệm, không riêng Bảo tàng Tôn Đức Thắng có quy mô trưng bày với diện tích bố trí hơn 300m2, lớn hơn định mức rất nhiều. Vì vậy, cần có quy định cụ thể hơn để áp dụng đối với các dự án trưng bày bảo tàng có quy mô diện tích trưng bày trên 300m2.

         Chúng tôi đề xuất việc cần thiết tiếp tục lấy ý kiến của các tổ chức, đơn vị có chức năng và hoạt động tư vấn thiết kế trưng bày, các công ty tư vấn thiết kế xây dựng, công ty tư vấn thiết kế mỹ thuật đối với định mức kinh tế - kỹ thuật cho hoạt động thiết kế trưng bày.

         Mặt khác, cần xem xét quy định cách tính toán chi phí thiết kế trưng bày theo tỷ lệ % so với chi phí xây dựng công trình được duyệt, tương ứng với loại và cấp công trình theo quy định (tương tự quy định tại Thông tư số 16/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 của Bộ Xây dựnghướng dẫn xác định chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng).

         Thứ tư, xuất phát từ tình hình thực tiễn, Bảo tàng Tôn Đức Thắng kiến nghị việc xem xét sửa đổi, bổ sung Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 60/QĐ-BVHTTDL về định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động thiết kế trưng bày bảo tàng cho phù hợp với tình hình thực tế của không chỉ của các bảo tàng công lập mà còn phù hợp với các đơn vị có chức năng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa khác (như trưng bày bổ sung tại di tích, trưng bày tại các khu lưu niệm,…).

         Đối với các quy định có liên quan, xin kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét ban hành các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn trong thiết kế trưng bày bảo tàng, đồng thời Bộ cần xem xét, phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành quy định về nội dung, trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định và thẩm quyền phê duyệt dự án trưng bày bảo tàng.Do hiện nay, khi không có các quy định về đầu tư trưng bày bảo tàng, các đơn vị bảo tàng khi mong muốn đổi mới hệ thống trưng bày phải phụ thuộc hoàn toàn vào công tác đầu tư xây dựng công trình. Cần bổ sung, ban hành các văn bản pháp lý liên quan đến công tác xây dựng và trưng bày bảo tàng, cần nhìn nhận bảo tàng là công trình văn hóa đặc thù có sự khác biệt với các công trình xây dựng dân dụng khác để xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả.

         Cần thiết ban hành quy định trong việc xây dựng bảo tàng ngay từ khâu thiết kế phương án kiến trúc công trình phải đồng thời thực hiện thiết kế trưng bày bảo tàng, nhằm giải quyết thực trạng khi xây dựng bảo tàng, chủ đầu tư chỉ quan tâm đến kiến trúc công trình mà không quan tâm đến thiết kế trưng bày bày và nội dung trưng bày. Đồng thời, cũng tránh tình trạng công trình bảo tàng được đầu tư xây dựng mới, nhưng không phù hợp khi đưa vào sử dụng ở không gian trưng bày, bảo quản hiện vật, kho cơ sở, thiết bị bảo quản, hệ thống các phòng chức năng, không gian trải nghiệm, khu dịch vụ,...

         Cần xây dựng quy định cụ thể, hướng dẫn nghiệp vụ thống nhất cho hệ thống bảo tàng cả nước, định mức phục chế hiện vật, tư liệu; xây dựng phần mềm quản lý, khai thác hiện vật, quy định đối với trang thiết bị bảo quản hiện vật.

         Trên đây là đề xuất hoàn thiện quy trình thiết kế trưng bày của Bảo tàng Tôn Đức Thắng đối với Quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình cung cấp dịch vụ và định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị di sản văn hóa của bảo tàng công lập (ban hành theo Quyết định số 60/QĐ-BVHTTDL ngày 07 tháng 01 năm 2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)./.

    Ghi rõ nguồn baotangtonducthang.vn khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.

    Giờ mở cửa

    Bảo tàng Tôn Đức Thắng tổ chức phục vụ hoạt động thăm viếng, dâng hoa, dâng hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng (số 5 đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) kể từ ngày 25 tháng 7 năm 2024 (Thứ Hai đến Thứ Sáu hàng tuần hoặc theo đăng ký của các tổ chức, cá nhân).
    Buổi sáng: Từ 07 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút, 
    Buổi chiều: Từ 13 giờ 30 phút đến 17 giờ.

     

    Địa chỉ

    Xem bản đồ chỉ đường
    Đăng ký tham quan