Nguyễn Thị Tuyết Nhung
Di sản viên hạng III, Phòng Giáo dục - Truyền thông Bảo tàng Tôn Đức Thắng
Công tác truyền thông của bảo tàng là một quá trình truyền thông nhiều chiều được xây dựng, duy trì và phát triển nhằm tạo ra các mối quan hệ giữa bảo tàng và công chúng. Trong những năm gần đây, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đặc biệt chú trọng tới công tác này. Công tác truyền thông hiệu quả sẽ giúp công chúng ngày càng nâng cao sự hiểu biết về bảo tàng, về những bộ sưu tập mà bảo tàng sở hữu. Từ đó, uy tín và hình ảnh bảo tàng ngày càng được nâng cao, cũng như gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau giữa bảo tàng với các cá nhân, tổ chức và công chúng.
Với hơn 34 năm hình thành và phát triển, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã trở thành một trong những địa điểm tham quan cho công chúng trong và ngoài nước, đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu về Chủ tịch Tôn Đức Thắng của quần chúng nhân dân. Trong đó, công tác truyền thông của bảo tàng được ví như một “kim chỉ nam” hữu hiệu trong việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về bảo tàng. Những năm qua, Bảo tàng Tôn Đức Thắng quan tâm đến việc giới thiệu hoạt động của bảo tàng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Website của Bảo tàng Tôn Đức Thắng www.baotangtonducthang.vn là một kênh thông tin quan trọng được xây dựng nhằm mục đích cung cấp thông tin về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, sự hình thành thành và phát triển của bảo tàng, các bộ sưu tập của bảo tàng, thông tin về hoạt động của Bảo tàng Tôn Đức Thắng trên không gian mạng Internet. Bên cạnh đó, việc truyền thông trên nền tảng các mạng xã hội như fanpage, youtube, instagram, zalo official, tiktok,... cũng được Bảo tàng Tôn Đức Thắng xây dựng và phát triển.
Các mã QR code của các tài khoản xã hội mà Bảo tàng Tôn Đức Thắng đang quản lý.
Để công tác truyền thông đạt được hiệu quả tốt, việc xây dựng và liên kết giữa bảo tàng với các ban ngành, cơ quan báo chí, truyền thông là điều không thể thiếu. Trong những năm qua, nhiều hoạt động ký kết liên tịch giữa Bảo tàng Tôn Đức Thắng với các đơn vị, trường học, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Liên đoàn Lao động, các Nhà Thiếu nhi, Trung tâm Văn hóa các quận, huyện ... tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành được thực hiện và đem lại nhiều thành công. Các hoạt động trên thực sự trở thành thế mạnh để xây dựng mối liên kết lâu dài và thuận lợi trong việc kết nối, tuyên truyền về Chủ tịch Tôn Đức Thắng với các đơn vị, trường học...
Bên cạnh đó, việc tìm hiểu cảm nhận của khách tham quan, sự phản hồi của khách qua những trải nghiệm, cảm tưởng và chia sẻ sau mỗi chuyến tham quan đối với bảo tàng rất quan trọng. Qua các cuộc khảo sát lấy ý kiến khách tham quan, Bảo tàng Tôn Đức Thắng nhận được sự phản hồi tích cực từ công chúng, góp phần thu thập và tổng hợp thông tin của bảo tàng càng thêm đa dạng. Điều này cho thấy được nhu cầu của công chúng đối với Bảo tàng Tôn Đức Thắng trong những năm qua đang có xu hướng tăng lên.
Ngày nay với nhiều hình thức truyền thông, Bảo tàng Tôn Đức Thắng phải lựa chọn hình thức nào cho phù hợp giúp công chúng dễ dàng tiếp cận như báo chí (báo tuần, báo ngày, báo xuân..), tạp chí (tạp chí xuất bản vào những ngày đặc biệt, tạp chí chuyên ngành...), phát thanh truyền hình (chương trình thời sự, phỏng vấn chuyên đề, quảng cáo, đố vui..), xuất bản các ấn phẩm của bảo tàng như tờ rơi, sách giới thiệu về bảo tàng dành cho trẻ em, sách giới thiệu bảo tàng kèm các chuyên đề, catalogue, sách chuyên khảo... Để bắt kịp xu thế trong thời đại 4.0 thì việc đầu tư, nâng cấp mảng truyền thông công nghệ là điều vô cùng cần thiết. Có thể tìm hiểu và nghiên cứu về việc ứng dụng thuyết minh đa phương tiện trên các nền tảng trực tuyến để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa đa dạng hiện nay của công chúng.
Bảo tàng Tôn Đức Thắng cần xây dựng quy trình công tác truyền thông, kế hoạch/chương trình hành động truyền thông hàng năm sao cho phù hợp với mục tiêu và điều kiện của Bảo tàng. Phát hành bản tin của bảo tàng thông báo về những hoạt động sắp tới trên trang website, fanpage, các trang mạng xã hội mà bảo tàng sở hữu, qua đó công chúng có thể lựa chọn và lên kế hoạch cho chuyến đến thăm bảo tàng.
Ngoài ra, đội ngũ viên chức Bảo tàng Tôn Đức Thắng là một yếu tố quan trọng và cốt lõi cho việc nâng cao nhận thức, phong cách ứng xử văn minh khi giao tiếp với công chúng; duy trì và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các đài truyền hình, các cơ quan báo đài các tỉnh thành để đưa tin về hoạt động của bảo tàng là những điều kiện tiên quyết trong hoạt động truyền thông. Việc xây dựng mạng lưới cộng tác viên, kết nối với các cơ quan báo đài, các công ty du lịch lữ hành... là điều hữu ích và có lợi lâu dài cho công tác truyền thông của bảo tàng.
Về trang thông tin điện tử nội bộ của đơn vị (website) cần nâng cấp theo hướng đa tác vụ, tương thích với các loại thiết bị, giao diện, màu sắc, cỡ chữ hài hòa. Xây dựng các clip truyền thông quảng bá, đồ họa trực quan bằng infographic.... đăng tải trên website và các tài khoản mạng xã hội mà bảo tàng đã đăng ký như fanpage, instagram, zalo official... Ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng hữu hiệu các trang mạng xã hội facebook, zalo, instagram, twitter,... giúp bảo tàng tiếp cập đến nhiều đối tượng công chúng. Đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền trong các nguồn thông tin thuộc ngành bảo tàng, góp phần đưa thông tin và hình ảnh về Bảo tàng Tôn Đức Thắng trên nhiều phương tiện và góc độ truyền thông khác nhau.
Trong bối cảnh hiện nay, công tác truyền thông là một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển của Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Việc xây dựng và phát triển hoạt động truyền thông của Bảo tàng Tôn Đức Thắng vừa giúp nâng cao hình ảnh, uy tín của bảo tàng, thương hiệu của Bảo tàng Tôn Đức Thắng vừa giới thiệu cho khách tham quan trong và ngoài nước biết nhiều hơn về hoạt động của bảo tàng, về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Từ đó, thiết lập và củng cố mối quan hệ bền vững giữa Bảo tàng Tôn Đức Thắng với công chúng, từ việc tăng cường sự hiểu biết sẽ đạt đến sự hài lòng của người dân nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản liên quan đến Chủ tịch Tôn Đức Thắng trong đời sống văn hóa, xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước./.