Tôn Đức Thắng - Những năm tháng tù đày, ký ức về biển

Tôn Đức Thắng - Những năm tháng tù đày, ký ức về biển

Ngày đăng: 03/01/2024
In Trang
Cỡ chữ

    Nguyễn Thị Khánh Hằng
    Bảo tàng Tôn Đức Thắng

         Côn Đảo là một quần đảo ngoài khơi bờ biển Nam bộ, cách Vũng Tàu khoảng 97 hải lý. Ngày 01/02/1862, Thống đốc Nam kỳ Bonard ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo để giam giữ tù nhân. Từ đó, hệ thống nhà tù Côn Đảo được xây dựng dần dần ở hòn Côn Lôn Lớn gồm ba khám giam chính: Banh I (1862), Banh II (1916), Banh III (1925), cùng các Sở tù khổ sai như: Sở Lưới, Chuồng bò, Cỏ Ống, An Hải….

         Sống và chiến đấu ở “địa ngục trần gian” giữa biển khơi:

         Ngày 02/7/1930, tàu Armand Rousseau chở những người tù trong đó có Tôn Đức Thắng với số tù 5289.20TF (Travaux forcés) rời Sài Gòn đi Côn Đảo. Từ đó đến ngày 23/9/1945, ở nơi “địa ngục trần gian” xa xôi giữa biển khơi, mọi mối liên hệ với quê hương, làng xóm, gia đình bị cắt đứt, Tôn Đức Thắng không chỉ đã tồn tại, đã sống mà còn chiến đấu chống lại những luật lệ hà khắc, bệnh tật, chết chóc và mọi thứ độc ác khác mà kẻ thù đã tạo ra nhằm giết dần, giết mòn thể xác, tinh thần của người tù. Từ Banh I, Sở Lưới, Sở Tải (Tẩy), Xà Lim 15 cho đến nơi đáng sợ nhất đối với người tù Côn Đảo lúc bấy giờ là Hầm xay lúa, người tù mang số 5289.20TF ấy không những thích nghi với hoàn cảnh mà hơn thế nữa còn cải tạo hoàn cảnh biến “địa ngục trần gian” giữa đại dương mênh mông thành “Trường học cách mạng”.

         Danh sách tù chính trị đang thụ án tại Côn Đảo do giám đốc đề lao Côn Đảo ký trong các năm 1936, năm 1937 và năm 1939 ghi rõ: “Tôn Đức Thắng: sinh năm 1897 tại Mỹ Phước, Long Xuyên; Số tù 5289; Tòa hình sự Sài Gòn xử ngày 18/7/1930; 20 năm khổ sai vì can tội tham gia hội kín, âm mưu kích động, chống phá nền an ninh quốc gia; Ngày bắt đầu thụ án: 26/7/1929; Ngày trả tự do: 26/7/1949; từng trong danh sách đề nghị ân xá tập thể gửi Thống đốc Nam kỳ ngày 24/6/1936 nhưng không có kết quả.

    Danh sách tù nhân Côn Đảo có tên Tôn Đức Thắng

         Còn trong ký ức của những bạn tù ở Côn Đảo, người tù 5289.20TF Tôn Đức Thắng là anh Hai Thắng, có dáng người đậm, bước đi chắc nịch trải khắp các Banh, Sở tù, chỉ lầm lũi làm, vui tính, hiền lành, ít nói nhưng nói câu nào chắc câu đấy, biết sửa chữa máy móc, đi biển rất giỏi, đối với bạn tù thì gần gũi, chân thành, khi cần đối đáp với giám thị, cai ngục người Tây thì nói bằng tiếng Pháp và nói có lý, có lẽ nên nhiều tên cai ngục cũng phải kiêng dè, kính nể.

         Tôn Đức Thắng là một trong những người đầu tiên tham gia thành lập chi bộ Đảng Cộng sản tại nhà tù, là Bí thư chi bộ (1935), lập Hội cứu tế tù nhân và có đóng góp quan trọng trong cuộc đấu tranh để biến nhà tù thực dân thành trường học cách mạng dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng trong giai đoạn 1930 – 1945. Đặc biệt, việc Bác Tôn cải tạo chế độ lao tù, giác ngộ tù lưu manh, tạo sự đoàn kết, thương yêu, chia sẻ giữa các thành phần tù nhân ở Hầm xay lúa không chỉ là kinh nghiệm quý báu về cách thức tổ chức và phương pháp đấu tranh của chi bộ nhà tù mà còn là dấu ấn đậm nét về cuộc sống, nhân cách của người tù cộng sản Tôn Đức Thắng. Có chi tiết ít người biết về cặp rằng Hai Thắng được giáo sư Trần Văn Giàu - bạn tù với Bác Tôn năm 1935 – 1936 – chia sẻ: “Tù nhân giết cặp rằng chỉ để được thoát khỏi hầm xay lúa vì giết người sẽ được đưa về Sài Gòn xét xử. Đã có khoảng 10 cặp rằng bị giết. Bọn cai tù muốn giết Hai Thắng nên cho làm cặp rằng hầm xay lúa. Ông nói với tù nhân các anh xay bao nhiêu thì xay, không xay thì thôi, nó đánh tôi hay làm gì tôi thì mặc kệ nó. Một tháng không có anh tù nào đánh Hai Thắng mà tiễn Ông ra khỏi Hầm xay lúa như tiễn người hùng, người anh cả. Hai Thắng ở Côn Đảo là thế: Biết lo nghĩ cho anh em”. Còn trong ký ức của người tù trẻ tuổi Nguyễn Văn Linh (bạn tù với Bác Tôn 1931 - 1936) thì “Tôi học ở Bác Tôn lòng thương bạn tù, luôn giáo dục họ. Dù bị tù nhưng Bác Tôn luôn quyết tâm chiến đấu chống lại áp bức của bọn cai ngục. Khi ấy tôi mới 17 tuổi, mới giác ngộ cách mạng, chưa kết nạp Đảng. Người đầu tiên tôi được gần gũi và giáo dục lý tưởng cộng sản cho tôi lại chính là Bác Tôn”. Trong Hồi ký của mình Nguyễn Văn Hoan viết: “Ở Sở Tẩy, Bác Tôn phải làm những công việc nặng nhọc nhất: đó là việc khiêng nước. Thùng đựng nước là vỏ gỗ của thùng rượu vang cưa đôi, mỗi thùng chứa trên 100 lít. Mỗi ngày Bác phải khiêng hằng trăm thùng nước uống cho khoảng hơn ngàn người tù, nước rửa các khám vệ sinh, hàng hiên, cống rãnh, nước tắm cho tù bị nhốt trong xà lim”. Khi làm những việc nặng nhọc, khổ sai đó thì trong những thùng nước ấy còn giấu những búp bàng non, những trái chanh được Hai Thắng lặng lẽ đem cho tù cấm cố/biệt giam nhai cho đỡ xót ruột, chống lại các bệnh tật về tiêu hóa luôn hoành hành tù nhân do chế độ ăn uống kham khổ, thiếu thốn. Cũng tại Sở Tẩy, Tôn Đức Thắng đóng vai trò tích cực trong việc đảm bảo mạch máu giao thông liên lạc bí mật thông suốt giữa các Banh, khám và Sở tù. Còn với bản thân khi đối mặt với hoàn cảnh khắc nghiệt nhất “Khi bị đày ở đảo hoang một mình, ông đã ăn những con hào, những con tôm nhỏ để sống, phải tìm mọi cách để tồn tại, nó muốn mình chết, mình phải sống để thắng nó. Trong mọi hoàn cảnh cháu phải luôn tìm cách để tồn tại” đó là điều Bác Tôn chia sẻ với cháu ngoại Tưởng Bích Vân.

         15 năm bị giam cầm giữa biển khơi, người tù 5298 Tôn Đức Thắng đã trở thành trung tâm đoàn kết, hết lòng thương yêu con người.

         * Vượt biển, về đất liền

         Tổ chức vượt ngục Côn Đảo - tiếng lóng của người tù là “đi câu” - là một trong nhiệm vụ của Chi bộ nhà tù. Ở nhà tù Côn Đảo vượt ngục đồng nghĩa với vượt biển, người vượt ngục không chỉ đối phó với hệ thống canh phòng chặt chẽ của nhà tù mà còn phải đối mặt với sóng to, gió lớn, với cá mập rình rập ở đại dương. Vì vậy, số lượng tù nhân vượt ngục về đến được đất liền rất ít hoặc là bị bắt lại hoặc là mất tích ngoài biển khơi. Theo thống kê trong 5 năm (1930-1936) có 3.912 tù nhân vượt ngục thì có 3.377 tù nhân bị bắt lại, số còn lại có thể đã trở về được đất liền hoặc hy sinh trên biển. Còn Báo cáo của Thanh tra chính phủ và hành chánh Nam kỳ vào năm 1942 “ Năm 1941 có 393 tù vượt ngục (trong tổng số 4.860 tù) thì 272 bị bắt lại. Năm 1942, có 192 tù vượt ngục (tổng số tù 4.674) thì 141 tù bị bắt lại”. Có nhiều đảng viên trung kiên đã hy sinh khi vượt biển như Ngô Gia Tự, Tô Chấn, Lê Quang Sung nhưng cũng có nhiều đảng viên đã vượt biển về đến đất liền như Tạ Uyên, Tống Văn Trân, Vũ Công Phụ. Riêng Tôn Đức Thắng với hai lần (năm 1934, và tháng 4/1945) được chi bộ tổ chức vượt ngục, vượt biển nhưng bất thành. Việc chuẩn bị cho các cuộc vượt ngục, vượt biển được tổ chức chu đáo, kỹ càng do nhiều kíp tù làm ở nhiều Sở tù tham gia như: kíp sản xuất cưa, dao, đục, đinh sắt, kíp bí mật đóng thuyền đi biển, kíp tích trữ cơm khô, thùng thiếc để đựng nước, tìm thuốc chống nôn, thuốc chữa bệnh… Để thực hiện được những chuyến vượt biển như vậy không thể thiếu vai trò tổ chức và tham gia thực hiện của Hai Thắng. Sở Lưới – nơi tù nhân đan lưới, đóng ghe thuyền, đánh cá để cung cấp cá tươi cho viên chức các sở hành chánh trên đảo - “Giỏi sửa máy nên Bác Tôn sửa chữa, điều khiển ca nô ở Sở Lưới. Bác thường lái ca nô chở lính gác, cai ngục đi tuần quanh đảo hoặc đi kéo các ghe bị dạt ngoài biển vào bờ, đặc biệt lái ca nô đưa lính rượt đuổi tù trốn ngục” như lời kể lại của người tù Trần Diệp. Chính tại Sở Lưới, Hai Thắng không chỉ có đầy đủ điều kiện để tìm nguồn hải sản tươi cung cấp cho anh em tù cấm cố, ốm đau; nhận và truyền tin tức, tài liệu từ đất liền đến các khám giam mà còn tích cực liên lạc bí mật, điều phối giữa các kíp tù và khi lính cần truy tìm tù vượt ngục thì ca nô do Hai Thắng phụ trách lại đột ngột bị hư hỏng không thể ra khơi. Hệ thống giao liên bí mật này giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc tổ chức các chuyến vượt ngục đưa cán bộ trở lại đất liền hoạt động.

         Khi chọn học nghề cơ khí tại Sài Gòn vào độ tuổi đôi mươi, hẳn Tôn Đức Thắng chưa thể hình dung cuộc đời mình lại gắn nhiều với biển cả: Hành trình qua đại dương đến Pháp rồi lại trở về; làm thợ máy sửa chữa tàu ở quân cảng Toulon và ở chiến hạm lênh đênh trên vùng Địa Trung Hải; nằm dưới hầm tàu tối tăm đi đày tại hòn đảo xa xôi và trong suốt những năm tháng tù đày ngoài biển cả mênh mông với kinh nghiệm dạn dày đi biển cộng với thạo nghề sửa chữa máy tàu không chỉ giúp Ông tồn tại, sống mà còn trui rèn ý chí chiến đấu, niềm tin vào sự thắng lợi cuối cùng; nuôi khát vọng thoát khỏi chốn đày ải và luôn tìm mọi cách biến khát vọng ấy thành sự thật. Trong chuyến vượt biển cuối cùng của Ông cũng là chuyến vượt ngục – vượt biển của đoàn tù Côn Đảo và Ông lại tiếp tục đóng vai trò là nhà tổ chức, người chỉ huy đồng thời là người thực hiện đầy can trường. Trần Diệp – người trở về đất liền trên chiếc ca nô do Hai Thắng điều khiển đã nhớ rất rõ “Chi bộ tổ chức trở về đất liền, Bác Tôn chuẩn bị phương tiện, chiếc ca nô hàng ngày Bác Tôn lái rất nhỏ, yếu không thể đi biển xa được. Trước đó, Bác Tôn kéo vào bờ một ca nô cứu sinh (từ một tàu chiến của Nhật bị đắm) đang trôi dạt trên biển. Ca nô rất tốt, có mái che bằng bạt, có cột buồm và buồm, đủ mái chèo, động cơ máy bị trục trặc thì Bác Tôn sửa chữa. Tờ mờ sáng ngày 23/9/1945, khởi hành cùng với tàu Phú Quốc và mấy chục chiếc ghe đi biển do Xứ ủy Nam kỳ cử ra đón, ca nô chúng tôi với 13 người ra khơi sau cùng vì còn phải chuyển tù từ trong bờ ra ghe, tàu. Khi trời sáng, biển bắt đầu nổi giông gió, các ghe phải hạ buồm nên không thể tiến, thoái được do đó ca nô chúng tôi vẫn chạy quanh quẩn gần đó. Sóng to, gió lớn làm rơi la bàn, anh em đi trên ca nô say sóng hết chỉ còn Bác Tôn vững vàng tay lái đưa chúng tôi về đến đất liền”. Trong ký ức của Nguyễn Hùng Minh “Giông to, gió lớn, sóng biển ào ào, Bác Tôn bảo tôi để Bác lái ca nô. Bác còn dặn: hãy nhìn nước biển, nhìn chim bay trên trời. Thấy nước biển trong là còn xa bờ, nếu thấy đục thì đã gần bờ rồi đó. Thấy chim nhạn mỏ cắp lá là còn xa bờ, nếu mỏ không cắp lá là sắp tới đất liền. Vị lão tướng Hắc Hải quả là dày dạn kinh nghiệm vượt biển”.

         Tại vị trí dễ thấy nhất trong ngôi nhà 35 Trần Phú (Hà Nội) – nơi Bác Tôn sống và làm việc, Người đã treo tấm bản đồ Côn Đảo do người bạn tù Nguyễn Văn Hoan vẽ tặng năm 1970. Nét vẽ mộc mạc, đơn sơ nhưng bản đồ ghi rõ, ghi đầy đủ các Banh, Sở tù của nhà tù Côn Đảo và tấm bản đồ vẫn luôn được treo ở vị trí đó cho đến khi Bác Tôn qua đời (30/3/1980). Hẳn những ký ức về những năm tháng ở “địa ngục trần gian” giữa biển khơi đã luôn khắc ghi trong tâm khảm của Tôn Đức Thắng.

     Tài liệu tham khảo:

         1. Hồ sơ số GOUCOCH/5079 (BẢN 1); IIA45/263(6) bản số 1; 5046. bản số 2; GOUCOCH/5077 (BẢN 1); Hồ sơ số 5104 (Bản 1), (Bản 6), (Bản 9)Trung tâm lưu trữ Quốc gia II (TPHCM).

         2. Lịch sử đấu tranh của các chiến sĩ yêu nước và cách mạng nhà tù Côn Đảo (1862 – 1975).- Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, NXB Chính trị quốc gia, 2010.

         3. Đại bàng tung cánh.-Vũ Lân – Phương Hạnh, NXB Chính trị quốc gia, 1995.

         4. Băng ghi âm: Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Linh, Trần Diệp, Tưởng Bích Vân.

    Ghi rõ nguồn baotangtonducthang.vn khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.

    Giờ mở cửa

         Hiện nay, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đang trong giai đoạn thực hiện dự án xây dựng mới nên chưa phục vụ khách tham quan. Bảo tàng phục vụ công chúng dâng hương và tham quan tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (số 01 đường Nguyễn Tất Thành, Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh) vào các ngày trong tuần (trừ thứ Hai)

    Sáng: 7 giờ 30 đến 11 giờ 30.

    Chiều: 13 giờ 30 đến 17 giờ.

     

    Địa chỉ

    Xem bản đồ chỉ đường
    Đăng ký tham quan