Nâng cao chất lượng các trưng bày chuyên đề của Bảo tàng Tôn Đức Thắng

Nâng cao chất lượng các trưng bày chuyên đề của Bảo tàng Tôn Đức Thắng

Ngày đăng: 26/12/2023
In Trang
Cỡ chữ

    ThS. Phạm Lan Hương

    Đại học Văn hoá thành phố Hồ Chí Minh

         Trong những năm gần đây, bảo tàng ở Việt Nam ngày càng được xã hội nhìn nhận và phát triển. Nhiều ngôi nhà bảo tàng được xây dựng mới, một số bảo tàng chuẩn bị ra đời. Các bảo tàng đang hoạt động được tăng cường đầu tư; đổi mới trưng bày và các hoạt động nghiệp vụ với mong muốn đáp ứng nhu cầu của khách tham quan, gắn bảo tàng với cộng đồng. Theo TS. Đặng Văn Bài, “các bảo tàng để dành cho con người và do đó, tương lai của bảo tàng phụ thuộc vào việc tự nâng cấp, tự phát triển để đáp ứng nhu cầu đã được thị trường chỉ rõ” . Thực tế đổi mới bảo tàng Việt Nam tuy còn nhiều vấn đề cần được trao đổi thảo luận để đi đến thống nhất về lý luận và thực tiễn, nhưng phần nào một số bảo tàng đã và đang có hướng đi phù hợp, hội nhập với thế giới.

         Bảo tàng Tôn Đức Thắng cũng không nằm ngoài sự đổi mới và phát triển chung của hệ thống bảo tàng Việt Nam. Điều này thể hiện rõ qua các hoạt động nghiệp vụ của bảo tàng thời gian gần đây cũng như qua mục đích của hội thảo “Bảo tàng Tôn Đức Thắng - Một địa chỉ văn hóa”. Tham luận của chúng tôi trình bày về việc nâng cao chất lượng các trưng bày chuyên đề của Bảo tàng Tôn Đức Thắng nhằm thực hiện tốt chức năng nghiên cứu, giáo dục của bảo tàng và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng.

         1. Bảo tàng Tôn Đức Thắng và các chuyên đề trưng bày

         “Bảo tàng chỉ sống được khi công chúng đến thăm”, và đối tượng chính của công chúng là trưng bày trong bảo tàng. Bảo tàng Tôn Đức Thắng được thành lập nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/1988), với tên gọi ban đầu là "Nhà trưng bày cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng". Đến tháng 8/1990, Nhà trưng bày chính thức đổi tên thành Bảo tàng Tôn Đức Thắng.

         Bảo tàng có hệ thống trưng bày với nhiều hiện vật, tài liệu, hình ảnh giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Qua 9 gian trưng bày, khách tham quan được tìm hiểu về ngôi nhà thời niên thiếu của Bác Tôn tại cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang), hình ảnh người thanh niên Tôn Đức Thắng năm 18 tuổi lên Sài Gòn học việc và làm thợ, chiếc rương gỗ của Người thời gian là học sinh trường Cơ khí Á châu, sự kiện kéo cờ phản chiến ở biển Đen, việc sáng lập Công hội và lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân Sài Gòn những năm 1920, hình ảnh "Hầm xay lúa" tại Côn Đảo - nơi người "cặp rằng" Hai Thắng thể hiện khí phách và đạo đức của người cộng sản …

         Bên cạnh hệ thống trưng bày thường xuyên, bảo tàng còn tổ chức nhiều trưng bày chuyên đề, đặc biệt vào dịp sinh nhật Bác Tôn và các ngày lễ. Các trưng bày chuyên đề như: Viên ngọc Côn Sơn, Bác Hồ và Bác Tôn, Cuộc sống đời thường của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Bác Tôn trong lòng nhân dân thế giới.

         Quê hương Bác Tôn ngày nay, Bác Tôn trong lòng miền Nam, Bác Tôn với thiếu nhi, Bác Tôn của chúng ta, 50 năm Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Công nhân Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh tiếp bước người thợ Tôn Đức Thắng, Công đoàn Việt Nam... Ngoài ra, Bảo tàng Tôn Đức Thắng còn tổ chức trưng bày tại các di tích và nhiều hoạt động giáo dục, tuyên truyền khác. Các trưng bày chuyên đề, trưng bày lưu động cũng như các hoạt động giáo dục của bảo tàng đã góp phần khẳng định một địa chỉ văn hóa của công chúng: Bảo tàng Tôn Đức Thắng.

         2. Chức năng và vai trò của các trưng bày chuyên đề

         “Các bảo tàng phần nhiều giống như một tảng băng phần lớn nằm bên dưới bề mặt, chìm khuất khỏi sự quan sát của công chúng. Vì các bảo tàng phụ thuộc vào việc phê chuẩn của công chúng để họ biện hộ cho sự tồn tại của bảo tàng trong xã hội hiện đại, nên có một nhu cầu thực tế là phải biểu hiện giá trị phong phú ẩn dấu ở phía dưới tảng băng. Đó chính là lý do tại sao ICOM lại cho rằng các phần trưng bày là cơ sở quan trọng trong định nghĩa về bảo tàng” . Thông thường, trưng bày của các bảo tàng chia làm hai phần: Trưng bày thường xuyên và trưng bày chuyên đề. Trưng bày thường xuyên nhằm mục đích khẳng định giá trị của bảo tàng và trưng bày chuyên đề tạo nên sự mới mẻ, sức sống mới cho bảo tàng. Trưng bày chuyên đề bổ sung những nội dung chuyên sâu mà trưng bày thường xuyên của bảo tàng không đáp ứng được. Chẳng hạn trưng bày “Bác Hồ và Bác Tôn” ở Bảo tàng Tôn Đức Thắng minh họa cụ chi tiết mối quan hệ thân thiết giữa hai vị lãnh tụ mà phần trưng bày thường xuyên chưa đề cập đến.

         Theo các nhà bảo tàng học Nga, trưng bày chuyên để giúp“phản ứng linh hoạt những yêu cầu của hiện tại, linh hoạt đưa vào lưu thông khoa học dưới hình thức bảo tàng những nghiên cứu khoa học, tăng cường số lượng những hiện vật bảo tàng từ các kho bảo quản để công chúng đông đảo có thể tiếp cận, cho phép trưng bày những hiện vật của bảo tàng mình và các bảo tàng khác trong sự phối hợp khác nhau, tăng cường số lượng những ý tưởng nảy sinh, mở rộng trường thông tin của từng hiện vật và nói chung là mở rộng khả năng giao tiếp bảo tàng” .

         2.1. Trưng bày chuyên đề là hình thức giới thiệu đặc biệt những bộ sưu tập hiện vật và báo cáo công tác nghiên cứu khoa học của bảo tàng

         Đối với hoạt động của bảo tàng, trưng bày phản ánh kết quả và thể hiện mức độ hoạt động nghiên cứu của bảo tàng. Trước hết công tác trưng bày mang tính nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Mỗi cuộc trưng bày phải thực hiện những mục đích nhất định, được nghiên cứu cấu tạo đề mục, chọn lọc hiện vật nghiêm túc, được thể hiện trên diện tích nhất định kết hợp với tài liệu hiện vật khoa học khác bằng cách giải quyết kiến trúc nghệ thuật nhất định. Đó là công việc được tiến hành hết sức nghiêm túc. Sự nghiên cứu hời hợt và nông cạn sẽ dẫn đến kết quả trứng bày sơ lược và nghèo nàn.

         Trưng bày chuyên đề của bảo tàng còn thể hiện rõ kết quả mức độ của công tác nghiên cứu của bảo tàng. Trước hết nó phản ánh việc nghiên cứu kỹ lưỡng chức năng của loại hình bảo tàng đó. Đồng thời trưng bày phản ánh kết quả nghiên cứu của công tác sưu tầm, kiểm kê và bảo quản hiện vật quý hiếm làm nổi bật nội dung các đề tài, và xác định đảm bảo tính chính xác khoa học của các hiện vật và tính điển hình của các loại hiện vật đó.

         2.2. Trưng bày chuyên đề thúc đẩy việc bổ sung hiện vật của bảo tàng cũng như các hoạt động nghiệp vụ khác.

         Muốn thực hiện được việc trưng bày phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu của bảo tàng, đẩy mạnh công tác sưu tầm để bổ sung cho những đề tài trưng bày đặt ra mà trong kho hiện vật còn ít hoặc không có hiện vật. Tất nhiên như vậy nó sẽ đẩy mạnh công tác kiểm kê, xác minh hiện vật, công tác bảo quản và giáo dục.

         2.3. Trưng bày chuyên đề thu hút khách tham quan đến bảo tàng.

         Trưng bày của bảo tàng là cầu nối công chúng và các hiện vật bảo tàng. Không có trưng bày, bảo tàng chỉ là kho bảo quản, một kho lưu trữ các sưu tập đã được hệ thống hoá. Bên cạnh đó, mục đích quan trọng của trưng bày là làm cho khách tham quan thoải mái hơn và nâng cao cuộc sống tinh thần của họ. Trưng bày chuyên đề duy trì mối quan tâm của công chúng tới bảo tàng, hình thành nên lượng khách tham quan thường xuyên của bảo tàng. “Công chúng ngày nay tìm đến bảo tàng để trải nghiệm, để học hỏi những kiến thức mới và để có những phút giấy thoải mái. Bảo tàng đã là nơi công chúng lựa chọn. Họ không chỉ đến thăm bảo tàng một lần mà còn nhiều lần trong năm hay trong cuộc đời” . Và để đạt được mục đích như vậy, Bảo tàng phải đa dạng hóa các hoạt động, đẩy mạnh về số lượng và chất lượng các trưng bày chuyên đề.

         2.4. Trưng bày chuyên đề giúp làm giàu và phong phú “ngôn ngữ bảo tàng”

         Bảo tàng là nơi cung cấp những thông tin nguyên gốc, chuyển giao các di sản văn hoá cho thế hệ sau; là nhịp cầu văn hoá giữa các dân tộc trong một quốc gia và thế giới. Sản phẩm hoạt động được xem như “hàng hoá đặc biệt” của bảo tàng là trưng bày. Bởi vì bảo tàng trưng bày những hiện vật - nguồn sử liệu cung cấp những thông tin nguyên gốc cho nhận thức trực tiếp các sự kiện lịch sử văn hoá và cảm xúc. Do đó, trưng bày được coi như dấu hiệu quan trọng nhất để phân biệt bảo tàng với các thiết chế văn hoá khác. Nói cách khác, trưng bày là ngôn ngữ đặc trưng của bảo tàng. Chính vì vậy, bên cạnh hệ thống trưng bày thường xuyên của bảo tàng, các trưng bày chuyên đề góp phần làm giàu và phong phú “ngôn ngữ bảo tàng”.

         3. Một số đề xuất góp phần nâng cao chất lượng các trưng bày chuyên đề ở Bảo tàng Tôn Đức Thắng

         3.1. Tìm hiểu nhu cầu của khách tham quan

         Việc nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu của khách tham quan xuất hiện vào những năm đầu thế kỷ XX và phát triển rộng rãi từ những năm 1960, 1970 – khi vai trò giáo dục của bảo tàng được nhấn mạnh. Cũng từ khoảng thời gian này, các bảo tàng đã chuyển từ việc lấy hiện vật và sưu tập làm trọng tâm sang những con người, cộng đồng ẩn sau các hiện vật và những câu chuyện họ kể về lịch sử, văn hoá, đời sống xã hội, những vấn đề đương đại... Nói cách khác, “vị trí trung tâm của các hiện vật và các bộ sưu tập đã bị giảm dần bởi sự chú ý được hướng tới những nhu cầu của khách tham quan bảo tàng”.

         Vậy nhu cầu của khách tham quan là gì? Việc tìm hiểu nhu cầu của khách tham quan được hiểu như thế nào? Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, “ví dụ cuộc triển lãm là một bữa tiệc, những món ăn mà bảo tàng đưa ra phải hợp với khẩu vị của thực khách. Mà để hợp khẩu vị, người đầu bếp phải biết họ thích gì. Tức là phải hiểu thị hiếu của người dự tiệc. Nói theo ngôn ngữ của bảo tàng là phải tìm hiểu xem công chúng đến với bảo tàng, họ đang có nhu cầu gì về văn hóa, về tinh thần. Có hiểu được những điều đó thì cuộc trưng bày mới mang lại được kết quả. Khách đến bảo tàng là họ đi mua, họ mua tri thức, họ mua cảm nhận, họ mua được các cảm xúc” .

         Việc nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu của khách tham quan ngày càng quan trọng. Hoạt động này không chỉ góp phần đáp ứng nhu cầu của khách tham quan bảo tàng mà còn liên quan đến những nhà tài trợ, những người tặng, cho bảo tàng mượn hiện vật. Thông thường, sau trưng bày, bảo tàng phải báo cáo đến tổ chức, đơn vị, cá nhân tài trợ để họ xem xét mức độ thành công của trưng bày và số tiền tài trợ của họ có ích hay vô ích...

         Ngày nay, hầu hết khách tham quan bảo tàng khao khát được xem những trưng bày sinh động, đa chiều và khách tham quan không chỉ được phép nhìn ngắm mà còn có thể sờ được và đi quanh để xem được. “Cần phải nghĩ cách đem đến cho du khách thứ gì đó mà họ không thể có khi ở nhà, ở trường hoặc ở thư viện, ở cửa hàng, và quyết định điều gì công chúng nên học, nên cảm nhận, thích thú hoặc tin tưởng khi họ rời khỏi trung bày”.

         Trên cơ sở tìm hiểu nhu cầu của khách tham quan, Bảo tàng Tôn Đức Thắng xây dựng các trưng bày chuyên đề hấp dẫn, cảm động, đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố Hồ Chí Minh cũng như du khách trong và ngoài nước.

         3.2. Đánh giá trưng bày

         Đối với mỗi bảo tàng, đánh giá trưng bày là công việc quan trọng và cần thiết. Qua kết quả đánh giá, khảo sát và nghiên cứu khách tham quan, những người tổ chức, thiết kế và thực hiện trưng bày nắm bắt được nhu cầu của công chúng, của xã hội để hoàn thiện trưng bày tốt hơn. Hiện nay, việc đánh giá trưng bày các bảo tàng Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều bảo tàng chưa có chương trình tìm hiểu, nghiên cứu các đối tượng khách tham quan để trên cơ sở đó đánh giá trưng bày của bảo tàng mình.

         Thước đo để đánh giá sự thành công của một bảo tàng là cảm giác thoải mái và sự hứng thú do bảo tàng đem lại cho người xem khi đi lại và quan sát các hiện vật “mà không cảm thấy có bức tường vô hình ngăn cách giữa khách tham quan và các hiện vật, giống như khi ta nghe nhạc qua tai nghe vậy”.

         Để đạt được những mục tiêu thu hút và thoả mãn khách tham quan, Bảo tàng Tôn Đức Thắng nên tổ chức đánh giá trưng bày và các hoạt động phục vụ khách tham quan của mình qua việc tiếp cận công chúng, thu thập dữ liệu, thông tin. Việc đánh giá là chìa khoá cho quá trình phát triển trưng bày, được diễn ra giữa hai đối tượng: cán bộ bảo tàng và khách tham quan. Mục đích của công việc này là tìm hiểu khách tham quan có phản hồi như thế nào đối với các trưng bày để bảo tàng chỉnh lý, phát triển trưng bày. “Khách tham quan không chỉ là những tấm bảng trống để viết lên trên mà họ có trí não riêng và có sự đam mê, thành kiến, hiểu biết riêng của họ”.

         3.3. Cải tiến, đa dạng hóa các hình thức trưng bày; đẩy mạnh quan hệ hợp tác trong trưng bày chuyên đề

         Theo điều 47 Luật Di sản Văn hóa, “Bảo tàng là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử tự nhiên và xã hội (sau đây gọi là sưu tập) nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân”. Bên cạnh những chức năng là cơ quan nghiên cứu khoa học, giáo dục khoa học, lưu giữ những thông tin nguyên gốc, chính xác, phong phú bằng các phương tiện trực quan sinh động, bảo tàng còn là “tụ điểm vui chơi, giải trí tích cực, vừa học vừa chơi, vừa được dung dưỡng tinh thần” . Nhu cầu thưởng thức văn hoá và nhu cầu giải trí của người dân ngày một tăng, đòi hỏi chất lượng của các dịch vụ văn hoá, giải trí được nâng cao. Trong quan niệm của người dân, bảo tàng không chỉ dành riêng cho những nhà nghiên cứu, không chỉ là nơi lưu giữ những cái cũ, những cái đã qua, đó còn là nơi học hỏi những kiến thức mới. Chính vì vậy, việc hình thành các ý tưởng trưng bày và đặc biệt là việc tổ chức trưng bày phải có những bước cải tiến quan trọng để khách tham quan có điều kiện tốt nhất để cảm thụ và thưởng thức những giá trị của hiện vật bảo tàng. Hình thức trưng bày là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự hấp dẫn khách tham quan. Bảo tàng Tôn Đức Thắng nên tìm hiểu, nghiên cứu để đa dạng hóa các hình thức trưng bày. Bên cạnh đó, để nội dung trưng bày phong phú, Bảo tàng Tôn Đức Thắng cũng nên hợp tác tổ chức các trưng bày chuyên đề với các bảo tàng và cơ quan hữu quan tại bảo tàng hoặc ngoài bảo tàng, đặc biệt bảo tàng nên gắn kết giữa trung bày bảo tàng với Nhà lưu niệm Bác Tôn tại cù lao Ông Hổ, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Sự kết hợp như vậy sẽ giúp bảo tàng thực hiện một cách hài hòa nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và giáo dục khoa học, với nhiệm vụ phục vụ nhu cầu giải trí, hưởng thụ văn hóa của người dân.

         Trong hai mươi năm xây dựng và trưởng thành, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã đạt được nhiều thành tích trong các hoạt động của mình, nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Trên cơ sở xu thế phát triển của thời đại, từ định hướng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật của đất nước, Bảo tàng Tôn Đức Thắng cần đầu tư cho các hoạt động nghiệp vụ, đổi mới trưng bày, tăng cường và nâng cao chất lượng các trưng bày chuyên đề để tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của mình một địa chỉ văn hóa. “Bảo tàng không phải tòa tháp ngà để người ta đến ngắm với những hiện vật cũ rích. Phải dứt khoát đoạn tuyệt với quan điểm bảo tàng chỉ là quá khứ. Bảo tàng còn là đương đại, là tương lai".

         TÀI LIỆU THAM KHẢO

         1. Luật Di sản Văn hóa và nghị định hướng dẫn thi hành, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2002.

         2, Đặng Văn Bài, Đôi điều nhận thức về chức năng giáo dục của bảo tàng, bảo tàng góp phần hoàn thiện nhân cách con người, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Hà Nội, 2004.

         3. Cục Di sản Văn hóa, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hoạt động bảo tàng trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Hà Nội, 2004.

         4. Nguyễn Văn Huy tuyển chọn và biên tập, Di sản văn hóa bảo tàng và những cuộc đối thoại, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2008.

         5. Trương Văn Tài, Hành trình đến với bảo tàng (Giới thiệu hệ thống các bảo tàng tại thành phố Hồ Chí Minh), Nxb. Trẻ, 1999, tr. 122 - 123.

         6. Tài liệu khóa nghiên cứu và thực hành bảo tàng: “Xây dựng ý tưởng và phát triển trưng bày”, Trung tâm A&C, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Hà Nội.

         7. Roger Miles, Clark Giles, Bắt đầu bằng bước đi phù hợp: Đánh giá ban đầu, Trích từ Môi trường và cách ứng xử 25 (6), tháng 11/1993, tr. 698 - 709, Nxb. Sage, Anh, 1993.

         8. Manual of Curatorship, A guide to Museum practice, Museums Association, do John M.A. Thompson biên tập, Nxb. Butterworth-Heinemann, Oxford, 1992.

         9. Gary Edson - David Dean, Cẩm nang bảo tàng (Nguyễn Thúy Hoàn dịch), Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Hà Nội, 2001.

         10. Kaulen M.E. chủ biên, Sự nghiệp bảo tàng của nước Nga (Đỗ Minh Cao dịch), Cục Di sản Văn hóa, Hà Nội, 2006, tr.351 - 352.

    Ghi rõ nguồn baotangtonducthang.vn khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.

    Giờ mở cửa

         Hiện nay, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đang trong giai đoạn thực hiện dự án xây dựng mới nên chưa phục vụ khách tham quan. Bảo tàng phục vụ công chúng dâng hương và tham quan tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (số 01 đường Nguyễn Tất Thành, Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh) vào các ngày trong tuần (trừ thứ Hai)

    Sáng: 7 giờ 30 đến 11 giờ 30.

    Chiều: 13 giờ 30 đến 17 giờ.

     

    Địa chỉ

    Xem bản đồ chỉ đường
    Đăng ký tham quan