Suy nghĩ về vai trò của cộng đồng trong đổi mới trưng bày Bảo tàng Tôn Đức Thắng

Suy nghĩ về vai trò của cộng đồng trong đổi mới trưng bày Bảo tàng Tôn Đức Thắng

Ngày đăng: 03/01/2024
In Trang
Cỡ chữ

       Ts. Trần Xuân Thảo

         Là một bảo tàng lưu niệm danh nhân , bảo tàng Tôn Đức Thắng đã trải qua 27 năm hình thành và phát triển. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống trưng bày cố định tại bảo tàng đã lạc hậu, kém hấp dẫn, không đáp ứng được nhu cầu tham quan của công chúng tìm hiểu về danh nhân Tôn Đức Thắng. Do đó, số lượng khách tham quan bảo tàng những năm gần đây tương đối thấp so số lượng khách trong hệ thống bảo tàng ở TPHCM. Làm thế nào thu hút khách tham quan là vấn đề khó khăn, thách thức hiện nay đòi hỏi nhiều nỗ lực đổi mới toàn diện. Thực hiện dự án đổi mới trưng bày bảo tàng Tôn Đức Thắng là một trong những yêu cầu cấp thiết đó, trong đó, đổi mới tư duy, quan niệm, cách tiếp cận cả nội dung và phương pháp trưng bày bảo tàng được đặt ra. Phương pháp trưng bày dựa vào cộng đồng được thảo luận và lựa chọn như là một giải pháp ưu tiên trong quá trình thực hiện. Cộng đồng của bảo tàng là ai? Có những nhóm cộng đồng nào? Vai trò của họ thế nào trong hoạt động đổi mới trưng bày bảo tàng Tôn Đức Thắng? Làm thế nào đáp ứng nhu cầu và phát huy vai trò của cộng đồng để thay đổi hệ thống trưng bày bảo tàng Tôn Đức Thắng?

    1. Hiện trạng trưng bày bảo tàng Tôn Đức Thắng và những thách thức:

           Là một bảo tàng về danh nhân Tôn Đức Thắng đặt tại TPHCM trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Bảo tàng Tôn Đức Thắng có hệ thống trưng bày thường trực giới thiệu những nét cơ bản nhất về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Mặc dù hiện vật và hình ảnh đa dạng, phong phú và rất sống động, gần gũi, dễ hình dung với người xem, nhưng hệ thống trưng bày nói trên nhìn chung lạc hậu do được thực hiện đã trên 10 năm, trang thiết bị và cơ sở vật chất không đáp ứng được không gian trưng bày và nội dung chưa chuyển tải hết những câu chuyện về cuộc đời Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Sau khi đánh giá, khảo sát thực trạng, đội ngũ làm trưng bày bảo tàng đã tổng hợp những nhược điểm cơ bản của hệ thống trưng bày:

           - Lộ trình tham quan trưng bày chưa hợp lý do phòng ốc quá nhỏ hẹp, quanh co, nhiều chủ đề phải tận dụng hành lang và lối đi để làm trưng bày.

           - Thiếu các cấp độ pano, bài viết khác nhau, thiếu thông điệp muốn chuyển tải. Có rất nhiều câu chuyện hay để kể về Bác Tôn nhưng chưa kể được do phương pháp trưng bày lạc hậu. Hiện vật để rải rác khắp nơi mà chưa nhóm lại được, chưa kết nối lại thành từng cụm theo chủ đề.

           - Thiếu hình ảnh động, thiếu các ghi âm những lời kể của nhân chứng: giọng nói chủ thể. Cần phải xem xét hệ thống video, băng hình, ghi âm theo các giai đoạn/chủ đề để định hướng nghiên cứu, sưu tầm, phỏng vấn bổ sung. Hiện nay các trưng bày manh mún, trùng lắp. Có những hình ảnh được xem tới 3- 4 lần (chủ đề, tiểu đề chưa rõ ràng, chưa có sự liên kết).

            - Hình ảnh, hiện vật rất thiếu thông tin. Thời gian dài sau khi hiện vật được bàn giao không được tiếp tục nghiên cứu, không tìm tiếp các thông tin bổ sung.

            Do phần trưng bày cũ kỹ như vậy, nên lượng khách tham quan hàng năm tại bảo tàng Tôn Đức Thắng luôn ở mức thấp so với các bảo tàng tại TPHCM. Trước tình hình đó, đổi mới trưng bày trở thành nhu cầu bức thiết để thu hút khách tham quan. Trên cơ sở khảo sát, đánh giá, bảo tàng đã lựa chọn một giải pháp đổi mới trưng bày: đó là phương pháp dựa vào cộng đồng.

     

    1. Đổi mới tư duy, quan niệm và cách tiếp cận trong trưng bày:

          Từ trước đến nay, bảo tàng thực hiện trưng bày truyền thống: thường có chú thích ngắn gọn, không đầy đủ thông tin (đây là cái gì chứ không phải kể câu chuyện gì? hoặc sử dụng lời bình của ai đó từ bên ngoài (chính quyền, nhà quản lý, nhà khoa học, hoặc của chính người làm bảo tàng) mà thiếu “giọng nói” của “người trong cuộc”. Người làm bảo tàng đã “áp đặt” kết quả nghiên cứu của mình và “định hướng” người xem chấp nhận nó như một kết quả mặc định, thiếu hẳn sự tương tác. Thay vào đó, phương pháp dựa vào cộng đồng sẽ tạo nên trưng bày mới có sức thuyết phục được kể bằng giọng nói của các cộng đồng, của chính chủ thể câu chuyện. Bảo tàng phải là nơi tạo ra diễn đàn cho công chúng, ở đó không phải và không chỉ có một tiếng nói/giọng nói duy nhất của người làm bảo tàng, của nhà nghiên cứu… Trưng bày bảo tàng đi theo hướng hiện đại là làm thế nào để có nhiều giọng nói của các chủ thể văn hóa, của các cộng đồng và nhân dân.

          Người làm trưng bày Bảo tàng Tôn Đức Thắng không được chủ quan là mình hiểu, biết, và trình bày về Bác Tôn tốt hơn công chúng mà nên đưa ra, đặt ra các bối cảnh lịch sử, hình ảnh, hiện vật để bản thân nó nói với công chúng và ngược lại công chúng sẽ tự khám phá điều gì đó mà họ cảm nhận thông qua trưng bày.

          Như vậy, Bảo tàng là nơi mở nhận kiến thức mới, nơi đưa ra nhiều phương án khác nhau cho sự lựa chọn của công chúng tùy theo nhu cầu và nhận thức của mọi người. Trưng bày bảo tàng phải thật sự tôn trọng cộng đồng, các chủ thể văn hóa và tôn trọng đa dạng văn hóa, tôn trọng tính trung thực của lịch sử. Có người đến với Bảo tàng Tôn Đức Thắng như đến với sự mến mộ một người yêu nước lỗi lạc, song có người đến với một tấm lòng tín ngưỡng đối với một vị thánh, v.v … thậm chí có người đến để coi Bác Tôn có cái gì mà phải lập bảo tàng, bảo tàng phải chấp nhận tất cả! Miễn là bảo tàng có thể làm cho họ đến, đến để tìm hiểu và để trải nghiệm từ đó bảo tàng truyền tải được thông điệp của mình.

           Trưng bày dựa vào cộng đồng hoán chuyển vai trò của người trưng bày từ chỗ là “đạo diễn” thành người hướng dẫn gợi mở, khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng kể những câu chuyện, nói với mọi người họ là ai, đưa những giọng nói ít được nghe thấy đến với công chúng. Đồng thời trưng bày dựa vào cộng đồng cũng chuyển từ việc cung cấp thông tin sang việc tạo dựng mối tương tác, đối thoại, những hiểu biết sâu sắc hơn và kể những câu chuyện xác thực hơn.

           Xác định tính chất của bảo tàng Bác Tôn là bảo tàng về danh nhân và bảo tàng danh nhân được đặt trong bối cảnh kinh tế - xã hội cụ thể để thông qua danh nhân này giúp cho khách tham quan bảo tàng hiểu về lịch sử. Cần có sự liên kết và trình bày bối cảnh đó. Do chỉ liên quan đến một con người nên đặc điểm Bảo tàng Tôn Đức Thắng là ít hiện vật, tư liệu nên thay vì trước đây trưng bày thiên về hiện vật thì nay phải đưa bối cảnh lịch sử, thiên nhiên, con người,… làm tăng sự hấp dẫn cho người xem, như: trong bối cảnh ATK – Việt Bắc sẽ kể câu chuyện hoạt động của Bác Tôn tại đây, bối cảnh Cù Lao Ông Hổ kể câu chuyện quê hương – gia đình - thời niên thiếu Tôn Đức Thắng, hầm xay lúa Côn Đảo kể câu chuyện người tù Tôn Đức Thắng, … Đó cũng là sự thay đổi từ quan niệm trưng bày tĩnh sang quan niệm trưng bày động. Ở đó, hiện vật đối thoại với người xem - với công chúng. Khi trưng bày, để kể chuyện về bối cảnh lịch sử của Bác Tôn thì phải có cái nhìn đa chiều, nhiều ý kiến, nhiều câu chuyện liên quan (sự kiện kéo cờ tại Hắc Hải, vụ án đường Babier Sài Gòn).

           Xác định đối tượng giáo dục và công chúng mục tiêu của bảo tàng là học sinh - sinh viên (đặc biệt là học sinh – sinh viên các trường mang tên Tôn Đức Thắng) nên yêu cầu xây dựng nội dung trưng bày tốt nhất cho học sinh – sinh viên dễ tiếp cận và dễ hiểu. Tăng cường các chương trình giáo dục, hoạt động trải nghiệm (cho học sinh trải nghiệm tháo lắp máy móc cơ khí chẳng hạn). Chú trọng tới câu chuyện giáo dục đạo đức để cho khách tham quan được giáo dục một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn, đi vào cuộc sống với cảm xúc chân thành (tình bạn học ó bức thư Bác Tôn gửi bạn học thời còn thanh niên; tình yêu, đồng chí ó bức thư gửi ông Hoàng Đạo Thúy; câu chuyện Bác trả lại nhà cho Chính phủ; những bức thư giáo dục con cháu trong gia đình,…). Thay vì khẳng định đạo đức Bác Tôn thế nào, thì tự thân các câu chuyện với giọng nói chủ thể sẽ toát lên điều đó, gây cảm xúc cho người xem.

     

    1. Vai trò của cộng đồng trong đổi mới trưng bày bảo tàng Tôn Đức Thắng:

           * Cộng đồng là gì và cộng đồng của bảo tàng Tôn Đức Thắng là những ai?

             Có nhiều khái niệm về cộng đồng, có thể hiểu ngắn gọn cộng đồng là một số người có những đặc điểm chung nhất nào đó. “Cộng đồng là một tập thể cùng chia sẻ, hoặc có tài nguyên chung, hoặc có tình trạng tương tự nhau về một số khía cạnh nào đó” (Tự điển Đại học Oxford). Mỗi bảo tàng phải xác định cho mình một loại cộng đồng chủ chốt, từ đó xây dựng thắt chặt mối quan hệ với cộng đồng đó. Khi xây dựng nội dung trưng bày, phải đặt câu hỏi chủ nhân câu chuyện này là ai? Khách tham quan chủ đề này là những ai? (ai kể, kể cho ai nghe?).

             Cộng đồng của bảo tàng Tôn Đức Thắng có thể chia thành các nhóm chính:

            - Chính chủ thể văn hoá, trước hết là chủ thể các bộ sưu tập hiện vật của bảo tàng là giọng nói chân thực cho câu chuyện: giọng nói của Tôn Đức Thắng, của người thân, gia đình, bạn bè, đồng chí…có liên quan đến câu chuyện/chủ đề.

             - Các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

             - Khách tham quan gồm:

               + Bộ đội, cựu chiến binh, lão thành cách mạng, cán bộ kháng chiến, nhân sĩ trí thức,…

               + Tầng lớp công nhân viên chức lao động ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác, đặc biệt là những tỉnh thành có di tích về Bác Tôn.

               + Cộng đồng nhà trường: trẻ em, học sinh, sinh viên, giáo viên, đặc biệt là ở các trường mang tên Tôn Đức Thắng.

            * Làm thế nào để liên kết được cộng đồng?

              - Phải học cách lắng nghe cộng đồng, học cách làm việc với cộng đồng, mở cánh cửa đến với cộng đồng.

              - Không thể chỉ quan tâm đến hiện vật vì cộng đồng muốn nói nhiều thứ hơn liên quan đến những quan tâm thiết yếu của họ.

              - Đổi mới cách trưng bày: ý tưởng trưng bày có thể xuất phát từ cộng đồng chứ không phải thuần tuý từ bảo tàng.

              - Tôn trọng chủ thể văn hóa (về tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng,… ví dụ bảo tàng có phòng tưởng niệm Bác Tôn).

              - Giải quyết, dung hòa được những mâu thuẫn nếu có trong quá trình liên kết cộng đồng để thực hiện trưng bày mới (ví dụ về quan điểm của nhà quản lý, chính trị gia khác với nhà khoa học, nhiệm vụ chính trị mâu thuẫn với nhiệm vụ chuyên môn,…). Đây có thể là một thách thức lớn đặt ra đối với bảo tàng lưu niệm danh nhân Tôn Đức Thắng.

            * Bảo tàng được hưởng lợi gì khi làm việc với cộng đồng?

              - Làm tốt hơn việc bảo tồn văn hoá vật thể và phi vật thể mà cụ thể là những gì về Bác Tôn mà bảo tàng chưa có, chưa biết, chưa hiểu, còn thiếu thông tin. Tức là khai thác được những gì chưa biết hoặc biết chưa trọn vẹn về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn.

              - Tiếp nhận thông tin, hiểu biết về hiện vật, bối cảnh văn hóa, làm cho hiện vật sống động gắn với cuộc sống thực của lịch sử (ví dụ:phần trưng bày Viên ngọc Côn Sơn (15 năm ngục tù Côn Đảo) hoặc Bác Tôn với sự kiện Biển Đen, …).

              - Hiệu quả giáo dục của bảo tàng lớn hơn, mạnh mẽ hơn, thu hút khách thăm quan nhiều hơn và tất nhiên sẽ tăng uy tín cũng như tăng nguồn thu từ các dịch vụ khác nhau từ lượng khách đến tham quan.

            * Cộng đồng được hưởng lợi gì?

              - Thỏa mãn nhu cầu tự bày tỏ, cảm nhận, tình cảm về bản chất lịch sử theo nhìn nhận của từng người,… tự bày tỏ nhu cầu phát triển và được phát triển theo nhận thức, tình cảm của công chúng.

              - Tự giữ gìn được tài sản văn hóa của mình mà không bị ép buộc bởi sự chỉ định trong nhận thức. Thắt chặt mối quan hệ của cộng đồng với Bảo tàng và luôn mở rộng giao lưu bên ngoài cộng đồng.

    1. Đáp ứng nhu cầu và phát huy vai trò của cộng đồng:

             Số lượng khách tham quan là thước đo thành quả hoạt động của bảo tàng. Muốn có được số lượng lớn khách đến tham quan Bảo tàng, thì nội dung và hình thức trưng bày phải phong phú hấp dẫn. Muốn làm được điều này cần:

             - Nghiên cứu lại toàn bộ lịch sử cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng với một cái nhìn mới, một cách tiếp cận mới (đặt trong bối cảnh lịch sử quốc tế và trong nước). Xác định những sự kiện chính, những tư liệu hiện vật chính liên quan đến lịch sử cuộc đời của Ông để nghiên cứu kỹ hơn, kết nối thông tin các hiện vật, tư liệu với nhau. Ví dụ: khi trưng bày về Bác Tôn thời kỳ làm việc ở xưởng Ba Son, cần trưng bày cả về phong trào công nhân cùng những con người có liên quan. Quan tâm cả quá khứ và đương đại, nhấn mạnh những nhu cầu của cộng đồng… Ví dụ: các cụ lão thành cách mạng cần gì, công nhân thành phố cần gì và học sinh - sinh viên cần gì, v.v,.. bảo tàng phải có lời đáp bằng trưng bày để đáp ứng được điều đó.

             - Chương trình giáo dục của bảo tàng cần được xây dựng thường xuyên, phù hợp với từng nhóm cộng đồng đến bảo tàng nhằm nâng cao vai trò, hiệu quả giáo dục của bảo tàng. Đối với bảo tàng Tôn Đức Thắng phải xác định cộng đồng tham quan chủ chốt là học sinh – sinh viên và công nhân lao động trẻ ở TPHCM. Do đó để đáp ứng nhu cầu cộng đồng, cần nghiên cứu, thiết kế các chương trình giáo dục cho học sinh và thế hệ trẻ và nghiên cứu cách thức để tổ chức các hoạt động trải nghiệm trong và ngoài trưng bày cho cả người lớn và trẻ em; tổ chức các hội thi, chương trình giáo dục cho các cháu thiếu nhi và học sinh – sinh viên, công nhân. Bên cạnh đó, phối hợp với các nhân sỹ, các nhà sử học và hoạt động cách mạng lão thành tổ chức các hội thảo chuyên đề phù hợp nhằm có thêm nhiều giọng nói, nâng cao hiệu quả hoạt động của Bảo tàng. Qua đó bảo tàng sẽ có thêm cộng tác viên, tình nguyện viên, các đối tượng mới, mở rộng cộng đồng.

             - Làm tốt việc sưu tầm hiện vật phù hợp với tình hình thực tế. Mục đích yêu cầu của công tác nghiên cứu sưu tầm về Bác Tôn: hiện vật (sưu tập hiện vật) phải phản ánh được thân thế và sự nghiệp của Bác Tôn từ thời niên thiếu cho đến khi qua đời; mặt khác phải phản ánh được ảnh hưởng, vai trò lịch sử của lãnh tụ đối với sự phát triển của lịch sử - xã hội cũng như nêu lên được nếp sống, sinh hoạt, phong cách làm việc, tình cảm, … của Bác Tôn đối với đất nước, dân tộc và ngược lại, tình cảm của quần chúng nhân dân đối với Bác. Phải xây dựng các nhiệm vụ về nghiên cứu, sưu tầm: nghiên cứu sâu các tư liệu lưu trữ, ảnh, phim của Việt Nam và của thế giới, đã có và sưu tầm bổ sung. Cần phải tư liệu hóa khoa học về những sự kiện trọng đại trong cuộc đời và sự nghiệp Bác Tôn bằng hiện vật gốc lưu niệm đã có, bổ sung thêm thông tin. Ví dụ: có rất nhiều hình ảnh Bác Tôn chụp với nhiều người, cần phải xác minh những người chụp ảnh cùng Bác Tôn (họ là ai? câu chuyện của họ như thế nào? những đóng góp của họ với xã hội để kết nối câu chuyện của Bác Tôn với những người khác …). Phải làm các phỏng vấn (các nhân chứng sống một cách trực tiếp và gián tiếp). Phải thiết lập mạng lưới cộng tác viên (hồ sơ an ninh, các lưu trữ trung ương, lưu trữ Pháp, các nhà tư vấn, mạng lưới những nhà nghiên cứu “ruột”…).

             - Đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung cán bộ, nâng cao trình độ nghiệp vụ (nâng cao ý thức tự giác, tự lực trong học tập và nghiên cứu). Làm cho đội ngũ cán bộ chuyên môn trở thành một ê-kíp có lòng nhiệt huyết, trình độ nghiệp vụ chuyên sâu, có tư duy, quan niệm mới trong công tác nghiên cứu, sưu tầm và trưng bày nhằm thoát khỏi tình trạng quan niệm lạc hậu lâu nay về hiện vật – hiện vật gốc và công tác trưng bày (thượng tôn hiện vật, ít tương tác).

              - Nghiên cứu và thiết lập chương trình Marketing tổng thể, xây dựng kế hoạch quảng bá bảo tàng, tạo ra bản sắc riêng cho Bảo tàng Tôn Đức Thắng cả về hình thức lẫn nội dung.

    Một số hình ảnh về viên chức Bảo tàng Tôn Đức Thắng đang tập huấn với chuyên gia nước ngoài về trưng bày gắn kết với cộng đồng:

     Tháng 10 năm 2015

     

     

     

                                                                                                                 

    Ghi rõ nguồn baotangtonducthang.vn khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.

    Giờ mở cửa

    Bảo tàng Tôn Đức Thắng tổ chức phục vụ hoạt động thăm viếng, dâng hoa, dâng hương, tham quan hệ thống trưng bày giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng (số 5 đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) từ ngày 03 tháng 01 năm 2025 (Các ngày trong tuần trừ Thứ Hai).
    Buổi sáng: Từ 07 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút, 
    Buổi chiều: Từ 13 giờ đến 17 giờ.

     

    Địa chỉ

    Xem bản đồ chỉ đường
    Đăng ký tham quan