Xây dựng bảo tàng mới và những bất cập từ thực tiễn cần thay đổi

Xây dựng bảo tàng mới và những bất cập từ thực tiễn cần thay đổi

Ngày đăng: 03/01/2024
In Trang
Cỡ chữ

    Lê Thị Minh Lý và Nguyễn Văn Huy1

          Với sự phát triển kinh tế ngày càng tăng, nhu cầu hội nhập quốc tế ngày càng lớn, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa nói chung và bảo tàng nói riêng càng đuợc chú ý đặc biệt. Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020. Quy hoạch này nhằm kiện toàn và phát triển hệ thống bảo tàng, phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học, giảng dạy, phổ biến tri thức về lịch sử, văn hóa, khoa học và thưởng thức văn hóa cho công chúng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và du lịch. Các bảo tàng Việt Nam được đặt trong yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động, thúc đẩy sự phát triển đa dạng về loại hình bảo tàng, đa dạng hóa hình thức sở hữu, vươn lên theo xu hướng phát triển của thế giới, vận dụng thành tựu tiến bộ, hiện đại của bảo tàng quốc tế vào Việt Nam để các bảo tàng không lạc hậu so với khu vực và thế giới; nâng cao năng lực và phát triển tính nghề nghiệp cao trong hoạt động bảo tàng.

          Tuy nhiên cho đến nay dù đã có trên 100 bảo tàng nhưng ở nước ta rất ít bảo tàng có chất lượng và lôi cuốn được công chúng. Sức hấp dẫn của các bảo tàng đối với công chúng hiện nay không tăng lên bởi vì số bảo tàng mới ra đời nhưng lại không mới và không đáp ứng nhiều lắm sự mong đợi của xã hội. Điều đó có nhiều nguyên nhân mà một trong những nguyên nhân chính là các cấp, các ngành có liên quan chưa nhận thức đầy đủ và chưa quan tâm đúng mức việc đầu tư cho xây dựng bảo tàng, nhất là đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học để tổ chức nội dung và trưng bày; thực tế đầu tư cho lĩnh vực này còn quá ít và không đúng tầm với một thiết chế văn hóa quan trọng như bảo tàng.

          Trong khoảng mươi năm, nhất là 5 năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, trước nhu cầu xã hội nhiều dự án bảo tàng đã được triển khai. Có những bảo tàng được đầu tư rất lớn ( Bảo tàng Hà Nội riêng phần tòa nhà đã trên 2000 tỷ, dự toán ban đầu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia là 2961 tỷ (bao gồm cả công trình, nội thất và trưng bày, theo đề án trình Chính phủ năm 2007), Bảo tàng Lịch sử quân sự sẽ có quỹ đất gần 50ha. Quy mô đầu tư cho các bảo tàng tỉnh và thành phố cũng khác trước nhiều. Các dự án được đầu tư tăng dần tới nhiều chục tỷ, trăm tỷ. Một số bảo tàng đã xây dựng xong và đi vào hoạt động như các bảo tàng Quảng Trị (45 tỷ), Hùng Vương, Phú Thọ (chưa quyết toán dự tính 100 tỷ, Đà Nẵng (65 tỷ)…; Nhiều bảo tàng đang xây dựng như Bảo tàng Phú Yên (97 tỷ), tòa nhà Đông Nam Á của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (trên 80 tỷ)… Có bảo tàng đang chờ phê duyệt dự án như Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. Điều đó nói lên bảo tàng ở nước ta đang có rất nhiều cơ hội để phát triển trong thế kỷ XXI.

          Dù rằng đã nhận được đầu tư lớn, đôi khi quá lớn, song phần lớn các bảo tàng của chúng ta vẫn không theo kịp với sự thay đổi của xã hội, không làm mới được chính mình cho nên các dự án bảo tàng, hoạt động bảo tàng có một số vấn đề tồn tại dai dẳng: nội dung bảo tàng không cập nhật được với cuộc sống, di sản nằm im trong kho, trưng bày bảo tàng ít thay đổi, buồn tẻ, khô cứng, thiếu sức sống, kỹ thuật lạc hậu và luôn luôn vắng khách thăm quan. Cũng chính vì thế gần đây dư luận mới thảo luận về sự lãng phí trong đầu tư xây dựng bảo tàng, trường hợp Bảo tàng Hà Nội.

         Từ thiết kế, xây dựng, đến trưng bày một bảo tàng: một quá trình nghiên cứu và thực hành nghề chuyên nghiệp

         Gần đây, ở nước ta có một “căn bệnh” mới là cứ xây dựng tòa nhà trước, khánh thành trước, rồi vài năm sau mới chuẩn bị trưng bày, khánh thành trưng bày chính như các bảo tàng Hà Nam, Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang, Sóc Trăng, Tuyên Quang, Quảng Bình, Nghệ An, Kon Tum, Côn Đảo, BT Văn học VN…. Điều này xảy ra ngày càng nhiều, hậu quả ngày càng trầm trọng. Đó là một cách làm không phù hợp, không khoa học, lãng phí. Lý do chủ yếu là không có kế hoạch, không tính toán một cách đồng bộ để vừa chuẩn bị xây dựng tòa nhà vừa chuẩn bị nội dung; chạy theo thành tích, gắn với các ngày kỷ niệm hay với các nhiệm kỳ của các vị lãnh đạo có liên quan. Sự lãng phí chính là ở chỗ đó.

         Bảo tàng là một thiết chế văn hóa và khoa học đặc thù. Bảo tàng có chức năng nghiên cứu khoa học, giáo dục và phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa, giải trí của công chúng cũng như nhu cầu du lịch. Bảo tàng có tiêu chuẩn rất rõ ràng, khoa học, không phải tùy tiện làm thế nào cũng được, muốn bày gì cũng được. Vào những năm cuối thế kỷ XX chúng ta đã xây dựng hai bảo tàng lớn là Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, với sự tư vấn và hỗ trợ của chuyên gia quốc tế. Với hai bảo tàng này việc xây nhà và tổ chức trưng bày được thực hiện đi song song trong vòng 10 năm. Khánh thành công trình là mở cửa trưng bày hoàn chỉnh luôn. Chúng tôi cũng có hồ sơ đầy đủ về quy trình của 2 bảo tàng xây dựng mới trên thế giới. Đó là Bảo tàng Quai Branly ở Pháp và Bảo tàng Văn minh cổ Ai Cập ở Ai Cập. Cả hai bảo tàng này đều được xây dựng trong khoảng 8-10 năm, và ngay từ đầu đã có kế hoạch cụ thể cho từng năm một, từ lúc khởi công cho đến lúc khánh thành theo một quy trình chặt chẽ, luôn tiến hành song song giữa việc xây dựng tòa nhà, chuẩn bị hiện vật và thiết kế nội dung trưng bày. Khi tòa nhà xây xong thì cũng hoàn tất thiết kế nội dung và tổ chức trưng bày. Khánh thành là bảo tàng đi vào hoạt động luôn, như thế sẽ không lãng phí, hoàn toàn hợp với quy trình thông thường là xây nhà xong thì được sử dụng (ở hay làm nơi làm việc, văn phòng…) ngay.

         Nghiên cứu các bảo tàng mới xây hay đang xây dựng thì thấy có một bất cập, một trở ngại cơ bản, rất lớn. Đó là cơ chế quản lý. Với cơ chế hiện nay, hầu hết các dự án bảo tàng khác đều do cơ quan xây dựng hay cơ quan cấp trên như Bộ, Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh/thành phố làm chủ đầu tư mà không phải bảo tàng làm chủ; ngôi nhà bảo tàng được họ làm và bàn giao theo kiểu “chìa khóa trao tay”. Cách làm này tách rời công việc chuyên môn của bảo tàng, những người làm bảo tàng –người sử dụng tương lai (Bảo tàng) với tòa nhà bảo tàng. Tách nội dung sẽ được sử dụng (những yêu cầu cho việc trưng bày, cho công tác bảo quản hiện vật…) với công năng xây dựng. Cho nên những lỗi lầm trong xây dựng tòa nhà của nhiều bảo tàng có vô vàn sai lầm như quá nhiều cửa sổ, cửa kính, cửa ra vào; chưa biết trưng bày nội thất sử dụng ánh sáng thế nào mà nhà thầu đã lắp hệ thống đèn chiếu sáng như kiểu hội trường, đã lát nền sàn theo thiết kế được duyệt; hệ thống kho thì trần quá thấp, ẩm thấp, ống kỹ thuật chạy giữa nhà; lộ trình trưng bày không rõ nên có cầu thang mà lại không thể sử dụng được nên gọi là “cầu thang chết”…

         Bảo tàng học và những người làm bảo tàng: một chuyên ngành nghiên cứu & thực hành cần được thừa nhận

         Công tác tổ chức trưng bày trong bảo tàng càng bất cập hơn về cơ chế. Hiện nay ở hầu hết các bảo tàng người làm nội dung trưng bày phải ký hợp đồng để nhận lại một phần việc của chính mình với các công ty tư vấn thiết kế trưng bày. Chúng tôi nhận thấy sai lầm chính là ở chỗ này, tức là những người làm chính, cán bộ Bảo tàng lại không phải là chủ thể tạo ra trưng bày, suy nghĩ, trăn trở và sáng tạo trưng bày mà họ lại phải đi làm thuê cho những người được chọn thầu/chỉ định thầu ở ngoài bảo tàng, không có chuyên môn về nội dung trưng bày. Giám đốc bảo tàng không được ký hợp đồng với nhân viên của mình để hoàn thành các công việc chuyên môn/khoa học của bảo tàng trong khi ở các cơ quan nghiên cứu các đề tài khoa học lại được xử lý theo cơ chế chi tiêu khoa học. Điều đó thực sự đã làm cản trở sự phát triển ngành bảo tàng, không có trưng bày tốt và tổ chức trưng bày không theo kịp, không đáp ứng tiến độ của công trình xây dựng tòa nhà. Chúng tôi nhận thấy ngày nay cơ chế tài chính của nhà nước đã dần đổi mới, thông thoáng, rõ ràng với các ngành để người lao động thực sự hưởng lợi và khuyến khích sáng tạo. Các kiến trúc sư có tư cách pháp nhân để thiết kế công trình và họ được chi trả thích đáng; họa sĩ, nhà văn sáng tác có cơ chế nhuận bút riêng; bác sĩ phẫu thuật được trả thù lao trực tiếp vì sự hành nghề của mình; giáo viên dạy thêm giờ, có giờ đứng lớp được thanh toán theo chế độ dạy ngoài giờ hay dạy vượt chỉ tiêu về thời lượng đứng lớp; các nhà khoa học thì có cơ chế chi tiêu theo các đề tài khoa học… Riêng ngành bảo tàng cho đến nay vẫn không có cơ chế chi trả cho các hoạt động khoa học của mình như làm trưng bày (từ xây dựng ý tưởng, nội dung, tổ chức hiện vật trưng bày, …) cho đến các hoạt động khác (nghiên cứu kiểm kê, tư liệu hóa, giáo dục, đào tạo…). Trong khi đó công việc chuyên môn của bảo tàng là một công việc khoa học vừa nghiên cứu vừa thực hành.

         Về thiết kế bảo tàng, do không xuất phát từ nhiệm vụ chuyên môn của bảo tàng, không có đặt hàng cụ thể (nhiệm vụ thiết kế) của bảo tàng nên công trình cứ vừa khánh thành là đã bị phê phán với những căn bệnh phổ biến, ấu trĩ: không có lối đi cho người tàn tật, không có lối thoát hiểm riêng; nhà vệ sinh nằm ngay trong không gian trưng bày; không gian trưng bày manh mún; bình cứu hỏa và các ổ điện cản trở trưng bày; không tách bạch với lối đi độc lập giữa khu vực làm việc, văn phòng bảo tàng với không gian trưng bày, một khiếm khuyết đặc biệt vi phạm quy chế bảo tàng… Ngoài vấn đề cơ chế còn có vấn đề năng lực của các kiến trúc sư khi thiết kế bảo tàng. Hầu hết họ thiếu sự hiểu biết, kinh nghiệm thiết kế bảo tàng và điều cơ bản là thiếu sự tham vấn đóng góp của người có chuyên môn bảo tàng.

          Bảo tàng trước hết không phải là một phòng tuyên truyền hay một cuốn sách giáo khoa

          Nói đi thì cũng phải nói lại, về phía chủ quan bảo tàng cũng có nhiều bất cập như: chủ đầu tư-những người quản lý bảo tàng- không đủ năng lực để phát hiện các vấn đề, đặt đầu bài/nhiệm vụ thiết kế sai hay không rõ ràng cho các công năng của bảo tàng tương lai, không biết đọc thiết kế để góp ý kiến. Quan trọng hơn là các bảo tàng mới/đang xây dựng không chuẩn bị đội ngũ nhân viên bảo tàng (về mọi khía cạnh) để đáp ứng kịp với yêu cầu đổi mới/để đưa ra những yêu cầu về đổi mới và hiện đại hóa bảo tàng. Tư duy làm bảo tàng cứng nhắc, chậm đổi mới. Đó là tư duy “toàn diện”, “hoành tráng”, duy ý chí cái gì cũng theo tiến trình lịch sử một cách đơn giản, máy móc, muốn đầy đủ mà lực thì không đủ. Làm bảo tàng mà như viết sách giáo khoa hay triển lãm kiểu tuyên truyền. Chỗ nào thiếu hiện vật thì copy, phục chế, tái tạo, trích dẫn sách vở, lập bảng biểu thống kê hay thay thế bằng sáng tác các loại phù điêu. Chỗ nào sẵn hiện vật thì bày la liệt, thiếu trọng tâm trọng điểm, thiếu bố cục, tổ chức, thiếu thông tin dẫn dắt và cách kể chuyện. Tư duy làm bảo tàng theo kiểu một chiều, áp đặt, hầu như không nghiên cứu khách tham quan, không đánh giá điều tra nhu cầu công chúng và rất ít các chương trình giáo dục liên kết với trường học, với cộng đồng.

         Để chuẩn bị xây một bảo tàng mới, trước hết cần xác lập hệ thống quan điểm và tư duy đổi mới về nội dung trưng bày và các hoạt động của bảo tàng tương lai cùng với phương pháp triển khai. Bảo tàng phải dựa vào hiện vật. Bám sát hiện vật là tiêu chuẩn đầu tiên của trưng bày bảo tàng. Phải trực tiếp kiểm kê và đánh giá từng hiện vật đang có, và thiết kế định hướng trưng bày (còn gọi là đề cương chính trị hay đề cương tổng quát) cũng như nội dung trưng bày cần dựa trên những hiện vật đó, chứ không phải tư duy trưng bày chỉ căn cứ vào kiến thức lịch sử nhằm mục tiêu tuyên truyền mà không căn cứ vào hiện vật. Lập luận rằng cứ xây dựng đề cương trưng bày, rồi đi bổ sung hiện vật, hoặc xây dựng đề cương chính trị một cách trừu tượng mà không dựa vào hiện vật là quy trình hoàn toàn không phù hợp. Cách làm này đang tồn tại ở hầu hết các bảo tàng đang xây dựng hay chuẩn bị xây dựng hiện nay ở nước ta. Có thể bổ sung hiện vật, nhưng hãn hữu thôi, còn trước hết và quan trọng nhất là phải tổ chức trưng bày trên những hiện vật đang có ở bảo tàng, không thể khác được.

         Cần có quan điểm tiếp cận cả những vấn đề đương đại. Chẳng hạn, trưng bày ở bảo tàng mỹ thuật không phải chỉ có trưng bày về lịch sử mỹ thuật mà còn cả trưng bày về mỹ thuật đương đại, về tác giả hay nhóm tác giả đại diện cho một trường phái hay xu thế nào đó. Hoặc đối với Bảo tàng Lịch sử Quân sự trong tương lai cần đổi mới quan điểm trưng bày với những tiếp cận mới, hiện đại phù hợp với xu thế các bảo tàng trên thế giới ở thế kỷ 21 để tạo một bảo tàng sâu sắc, ấn tượng như một bản anh hùng ca về các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc song phải đẹp, sinh động, luôn mới, hấp dẫn cả khách trong và ngoài nước; lịch sử chiến tranh có thể phản ánh nhiều cách nhìn khác nhau, nhiều giọng nói khác nhau tức là cần có một cái nhìn đa tuyến về sự kiện mà mình muốn trình bày; phản ánh cuộc chiến đấu và cả cuộc sống đời thường của người chiến sĩ nữa. Trưng bày không theo tiến trình lịch sử một cách máy móc mà chủ yếu phải linh hoạt, sử dụng cả cách kể chuyện theo những vấn đề, chủ đề trên cơ sở hiện vật và nhóm hiện vật. Nội dung sâu sắc, vừa có ý nghĩa giáo dục lịch sử truyền thống vừa gắn kết với cuộc sống, nhất là cuộc sống hiện tại. Các câu chuyện, các gương mặt được giới thiệu đa dạng, trải đều các thời kỳ, phản ánh đa chiều, đa tuyến, đời thường. Các bảo tàng tỉnh, thành phố trong tương lai muốn hấp dẫn cũng phải chú ý nhiều hơn đến khía cạnh đưong đại của cuộc sống ở địa phương mình. Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đang xây dựng cũng vậy, vừa chú ý đến lịch sử tự nhiên vừa cần chú trọng đến những vấn đề môi trường, thiên nhiên hiện tại và mối quan hệ với con người như quá trình đô thị hóa, nạn phá rừng, phá các khu sinh quyển ven biển, các con sông bị ô nhiễm hay thảm trạng động đất, lở núi, bão lụt, ... Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong tương lai cần phải đổi mới toàn diện và căn bản về cách tiếp cận, đó là phải quán triệt sâu sắc việc trình bày lịch sử theo cách tiếp cận đa tuyến đồng thời đặc biệt chú trọng về lịch sử văn hóa-xã hội, tức lịch sử về con người mà từ trước đến nay vẫn là điểm yếu kém của hệ thống bảo tàng lịch sử ở nước ta. Trưng bày phải đặt Con người vào trọng tâm của sự phát triển lịch sử quốc gia. Có tiếp cận mới như vậy các bảo tàng mới có sức sống, mới lôi cuốn được công chúng đến xem vì nó thiết thực với họ.

         Vì vậy, khi xây dựng mới, các bảo tàng phải chủ động đòi quyền cho mình: quyền tham gia góp ý thiết kế nhà bảo tàng, thiết kế trưng bày; quyền nghiên cứu và tổ chức nội dung trưng bày. Mặt khác, bảo tàng cũng phải tự mình mạnh mới đủ sức đảm đương công việc. Lãnh đạo phải mạnh, đủ hiểu biết, có tầm nhìn xa, trông rộng để đáp ứng nhu cầu đổi mới và xây dựng một bảo tàng mới. Vai trò của giám đốc bảo tàng rất quan trọng ví như nhạc trưởng của một dàn nhạc lớn, thiết kế hệ thống quan điểm cho bảo tàng tương lai, chỉ huy các bộ phận kết hợp thành guồng máy đồng bộ, tạo ra và liên kết mọi hoạt động một cách sinh động, hiệu quả. Từ quan điểm, đề cương chuẩn bị trưng bày, tới hiện vật, kỹ thuật tổ chức trưng bày tới sản phẩm trưng bày. Từ nhiệm vụ thiết kế bảo tàng đến kiểm tra giám sát công trình và vận hành bảo tàng.

          Cần có sự đổi mới tư duy về làm bảo tàng ngay từ đầu với toàn thể bảo tàng, từ giám đốc đến nhân viên của các bảo tàng đang xây dựng, nhất là các bảo tàng lớn như Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng Thiên nhiên Việt nam. Làm bảo tàng là dựa vào sức mình là chính và tranh thủ tối đa tư vấn của chuyên gia. Phải có kế hoạch tiến hành đào tạo nhân lực bảo tàng ngay để đáp ứng yêu cầu dự án với các phương thức đào tạo tại chỗ và đào tạo lâu dài. Phải chuẩn bị ngay từ bây giờ thế hệ kế tiếp có đầy đủ năng lực để thực hành đổi mới bảo tàng. Phải gửi người đi nước ngoài để đào tạo. Ưu tiên sinh viên ngoại ngữ hoặc những người có ngoại ngữ vì ngôn ngữ là công cụ để tiếp thu kiến thức. Đào tạo từ nhiều nguồn, nhất là từ các nước như Úc, Mỹ, Pháp hay Bắc Âu…Mặt khác mỗi bảo tàng phải chủ động tích cực mở rộng quan hệ quốc tế và trong nước để học hỏi kinh nghiệm để được tư vấn và đào tạo.

         Các bảo tàng thực sự đang có cơ hội để đổi mới nhưng cũng đang gặp rất nhiều thách thức và bất cập. Để khắc phục những bất cập trên, quan trọng nhất là phải nhận thức ra những sai lầm trong quan niệm về chỉ đạo tổ chức xây dựng bảo tàng. Nếu chưa thấy mình sai, chưa thấy bất cập thì không bao giờ sửa được và để lỡ mất cơ hội./.

                                                                  Hà Nội tháng 7/2011

     

    1. TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia và

       PGS. TS. Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia

     

    Ghi rõ nguồn baotangtonducthang.vn khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.

    Giờ mở cửa

         Hiện nay, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đang trong giai đoạn thực hiện dự án xây dựng mới nên chưa phục vụ khách tham quan. Bảo tàng phục vụ công chúng dâng hương và tham quan tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (số 01 đường Nguyễn Tất Thành, Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh) vào các ngày trong tuần (trừ thứ Hai)

    Sáng: 7 giờ 30 đến 11 giờ 30.

    Chiều: 13 giờ 30 đến 17 giờ.

     

    Địa chỉ

    Xem bản đồ chỉ đường
    Đăng ký tham quan