Các hình thức tương tác, trải nghiệm từ trưng bày Bảo tàng Tôn Đức Thắng

Các hình thức tương tác, trải nghiệm từ trưng bày Bảo tàng Tôn Đức Thắng

Ngày đăng: 03/01/2024
In Trang
Cỡ chữ

    Lê Thanh Điền
    Bảo tàng Tôn Đức Thắng

    Trong xã hội ngày nay, dù đang ở bất kỳ đâu, chỉ cần điện thoại hay máy tính bảng có nối mạng Internet thì ta vẫn có thể biết được chuyện gì xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Tất cả những điều này đều do “cây cầu” công nghệ thông tin cung cấp. Vì thế, dù vô tình hay cố ý thì hằng ngày ta vẫn đang sử dụng các công nghệ thông tin nhằm phục vụ cuộc sống hiện đại. Tất cả những điều này đã nói lên rằng các ứng dụng của công nghệ thông tin luôn có mặt trong mọi hoạt động đời sống của con người và nó đóng vai trò rất quan trọng trong xã hội hiện đại ngày nay.

         Vì lẽ đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo tàng đang là xu hướng tất yếu mà các bảo tàng đang hướng tới, đặc biệt là trong công tác trưng bày. Nếu trưng bày thiếu đi việc ứng dụng các công nghệ thông tin sẽ thiếu đi một kênh quan trọng để chuyển tải thông điệp của bảo tàng một cách sống động và hấp dẫn đến với công chúng. Việc kết nối giữa trưng bày và cộng đồng là chìa khóa đem lại lợi ích cho bảo tàng, tạo sự tương tác, trải nghiệm cho khách tham quan, thực sự là "luồng gió" mới cho hoạt động bảo tàng lâu nay vốn rất trầm lặng.

         1. Thực trạng các phòng trưng bày tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng:

         Trải qua 30 năm, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực với nhiều sáng tạo, năng động trong việc tổ chức các hoạt động. Mặc dù cơ sở vật chất của Bảo tàng còn hạn chế (diện tích hẹp, không gian trưng bày chưa thật phù hợp với yêu cầu bảo tàng, hiện vật, tài liệu trưng bày còn ít,...) nhưng đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn của Bảo tàng đã luôn suy nghĩ tìm tòi và mạnh dạn tiến hành đổi mới, nâng cấp trưng bày, từ từng vấn đề riêng lẻ, chuyên biệt, đến tổng thể nội dung trưng bày, hiệu quả giáo dục ngày càng được tăng cường hơn. Đẩy mạnh hoạt động sưu tầm bổ sung từ nhiều nguồn khác nhau tăng cường cho kho cơ sở, phục vụ việc chỉnh lý nâng cấp trưng bày Bảo tàng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Bảo tàng đã và đang còn nhiều khó khăn, hạn chế nên chưa thu hút được đông đảo khách thăm quan, mặc dù Bảo tàng nằm ở trung tâm thành phố. Chính vì vậy, năm 2012, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã mời các chuyên gia hàng đầu trong ngành Di sản tại Việt Nam và chuyên gia nước ngoài về trưng bày dựa vào cộng đồng đánh giá toàn bộ hệ thống trưng bày nhằm đề ra các phương pháp chỉnh lý, cải tạo, nâng cấp hệ thống trưng bày theo quan điểm mới. Qua đợt khảo sát và đánh giá, Bảo tàng Tôn Đức Thắng rút ra được những hạn chế còn tồn tại trong hệ thống trưng bày như:

         - Ngôi nhà bảo tàng hiện nay được sử dụng lại từ nhà ở của thủ tướng chế độ cũ, các phòng dùng để ở được tận dụng làm trưng bày vì vậy không gian nhỏ hẹp, lối đi tham quan không hợp lý, quanh co, không liền mạch. Trưng bày “Chân dung Chủ tịch Tôn Đức Thắng qua các tác phẩm mỹ thuật” phải tận dụng hành lang, lối đi để thực hiện.

         - Nội dung trưng bày dàn trải, khô cứng, rập khuôn theo thông sử, thiếu các câu chuyện cụ thể, thông tin một chiều, yếu tố con người - nhân vật trung tâm của các hoạt động - là Bác Tôn và những người bạn, người thân của Bác chưa được quan tâm đầy đủ trong trưng bày, vì vậy không gây được sự hấp dẫn, cảm xúc cho người xem.
    - Trưng bày hầu như thiếu các bài giới thiệu theo từng chủ đề trưng bày, thiếu thông điệp muốn truyền tải đến người xem. Các chú thích ảnh vẫn theo cách viết ngắn gọn theo lối cũ nên không đáp ứng đầy đủ thông tin cho người xem. Các tư liệu, hình ảnh đều chụp lại nên chất lượng không tốt. Người xem nếu không có thuyết minh không hiểu được nội dung.

         - Nội dung trưng bày còn thiếu giọng nói của các chủ thể trong trưng bày như: giọng nói của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, người thân trong gia đình hay các đồng chí, bạn học cùng thời của Bác Tôn.

         - Thiếu các phần mềm công nghệ trong trưng bày như: các ảnh động, video hay các băng ghi âm về người thân, gia đình và những đồng chí từng hoạt động chung với Bác Tôn.

         Nhìn chung, trưng bày của Bảo tàng là sản phẩm của nhiều lần chỉnh lý, còn thiếu tính chỉnh thể thống nhất nên chưa thật sự hấp dẫn. Chính những điều bất cập trên, nhu cầu cấp thiết là đổi mới hệ thống trưng bày theo một cách mới, hiện đại nhằm tạo sức hấp dẫn, thu hút khách tham quan đến với bảo tàng. Trong đó, việc tương tác trải nghiệm cũng như áp dụng các ứng dụng công nghệ trong trưng bày sẽ tạo được thu hút, tăng cường tính hấp dẫn cho người xem khi đến Bảo tàng Tôn Đức Thắng.

         2. Đổi mới trưng bày tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng: các hình thức tương tác, trải nghiệm:

         Nắm bắt những điều bất cập đó, những năm gần đây, các phòng trưng bày tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng luôn được đổi mới không những về mặt nội dung, hình thức mà việc áp dụng công nghệ là mục tiêu hàng đầu. Ngoài việc tạo sự bắt mắt trong thiết kế, đổi mới nội dung nhằm giúp người xem tiếp cận thông tin các hiện vật, tư liệu, hình ảnh một cách nhẹ nhàng theo hướng kể các câu chuyện xoay quanh cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Bảo tàng còn tạo ra không gian để khách tham quan có thể tương tác, trải nghiệm thông qua mô hình, các hiện vật phục chế hay ứng dụng phần mềm.

         2.1. Tương tác trải nghiệm trong trưng bày thông qua không gian, hiện vật phục chế:

         Cùng với hệ thống trưng bày cố định, Bảo tàng thường xuyên quan tâm tổ chức các trưng bày chuyên đề để thu hút khách thăm quan. Đặc biệt, trưng bày “Bác Tôn - Câu chuyện giáo dục trong gia đình qua những lá thư” tháng 9/2013 đã thu hút và gây được xúc động cho công chúng. Có thể nói trưng bày này là bước đi đầu tiên của quá trình đổi mới Bảo tàng, đặc biệt là việc ứng dụng quan điểm trưng bày mới. Thông qua hiện vật là chính những lá thư rất tình cảm, xúc động, mang đầy tính giáo dục của Chủ tịch Tôn Đức Thắng được kể bằng giọng nói của chính con cháu của Người. Họ nhớ về người ông, người cha với tấm lòng yêu thương, đã dạy dỗ họ rèn luyện tính tự lập, cách sống kiên cường, khắc phục mọi khó khăn gian khổ, có trách nhiệm không chỉ với chính gia đình mình mà còn nghĩa vụ công dân đối với đất nước, xã hội.
    Trưng bày sẽ rất đơn điệu nếu chỉ đưa các hiện vật gốc được chọn lọc đến người xem. Chính vì vậy người làm trưng bày đã scan toàn bộ thư gốc, chép những video clip về những người con, cháu khi họ kể về Chủ tịch Tôn Đức Thắng vào màn hình cảm ứng để người xem có thể chủ động tìm hiểu thêm. Đây chính là sự mới lạ đầu tiên của bảo tàng khi đưa vào trưng bày bằng những hình ảnh động để tạo cái mới, tính hấp dẫn cho người xem. Ngoài ra, trưng bày đã tạo khoảng không gian riêng để khách tham quan chia sẻ suy nghĩ về câu chuyện giáo dục trong chính gia đình họ bằng cách viết vào những lá thư nhỏ được đính trên đai. Thông qua các câu chuyện được chia sẻ của công chúng, trưng bày “Bác Tôn - Câu chuyện giáo dục trong gia đình qua những lá thư” đã tạo được sự kết nối với câu chuyện của việc giáo dục thế hệ thanh niên hôm nay, đó là tinh thần trách nhiệm, tính tự lập và nghĩa vụ đối với đất nước trong xu thế hội nhập. Việc viết tiếp các câu chuyện giáo dục trong gia đình khi xem xong trưng bày đã chứng minh rằng thông điệp mà trưng bày đưa ra đã được ủng hộ thông qua sự tương tác giữa bảo tàng và công chúng.

         Tiếp nối thành công trên, năm 2017, Bảo tàng Tôn Đức Thắng thực hiện phòng trưng bày “15 năm tù Côn Đảo”. Trong suốt 15 năm bị giam cầm tại Côn Đảo, trong đó Bác Tôn bị đưa vào Hầm xay lúa 2 lần (cuối năm 1932 và năm 1935), dường như câu chuyện “Người cặp rằng hầm xay lúa” luôn ghi đậm dấu ấn đối với mọi thế hệ Việt Nam. Trưng bày muốn gửi đến người xem thông điệp về ý chí, nghị lực và tình người, lòng nhân ái của một Con Người - người yêu nước, người cộng sản. Qua đó nhằm tôn vinh những giá trị đặc sắc của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Nội dung trưng bày phải được thể hiện theo cách nhìn mới, đa chiều, không rập khuôn, yếu tố con người phải được làm nổi bật.

         Đáp ứng nhu cầu giáo dục thế hệ trẻ và nâng cao hiểu biết của công chúng về lịch sử Việt Nam cận hiện đại, gắn kết lịch sử, cuộc đời và đạo đức của Chủ tịch Tôn Đức Thắng với những vấn đề bức thiết hiện nay của xã hội. Trưng bày không lấy hiện vật gốc làm trung tâm mà gắn các câu chuyện của chủ thể tạo sự tương tác trong trưng bày. Bảo tàng đã mô phỏng lại 1 phần của hầm xay lúa trong đó có chiếc cối xay được bảo tàng phục chế theo theo tỷ lệ 1:1 để công chúng có thể tự kéo cối xay lúa trong không gian chật chội, nóng nực, đầy khói bụi kèm theo âm thanh là tiếng xích sắt, tiếng la mắng của những cặp rằng... Công chúng sẽ cảm nhận được công việc nặng nhọc, vất vả mà Bác Tôn phải làm trong suốt thời gian bị giam cầm tại đây. Với mô hình "hầm xay lúa" ở Côn Đảo được xây dựng trong không gian kết hợp âm thanh, ánh sáng, bức họa 3D về cảnh tù nhân lao động khổ sai trong hầm xay lúa cho khách tham quan tự trải nghiệm cối xay lúa. Chính sự tương tác, trải nghiệm này đã tạo sức hút của trưng bày đến với công chúng

         2.2. Tương tác trải nghiệm trong trưng bày thông qua các phần mềm công nghệ thông tin hiện đại:

         Năm 2018, Bảo tàng Tôn Đức Thắng tiếp tục thực hiện phòng trưng bày “Thời niên thiếu Chủ tịch Tôn Đức Thắng”. Trưng bày được áp dụng theo hướng kể lại câu chuyện thời niên thiếu Chủ tịch Tôn Đức Thắng thông qua các nội dung bài viết từng chủ đề. Tuy nhiên, điều đặc biệt là trưng bày lần này có áp dụng công nghệ phần mềm gia phả họ Tôn thông qua màn hình cảm ứng và phần mềm thuyết minh tự động để người xem có thể tương tác, trải nghiệm.

         - Phần mềm gia phả họ Tôn: thông qua màn hình chạm đã giải quyết được vấn đề hạn chế diện tích trưng bày. Do thành viên gia phả họ Tôn rất nhiều (7 đời với 136 thành viên) nên diện tích đai trưng bày không thể hiện hết từng cá nhân trong gia tộc. Vì vậy, trưng bày chỉ giới hạn nhánh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng và thông tin trên đai chỉ là hình ảnh và năm sinh, năm mất. Tuy nhiên, điều này sẽ tao sự nhàm chán đối với khách tham quan. Hiện nay, khách tham quan không chỉ mong muốn được xem hình ảnh mà họ còn được muốn biết thêm về thông tin của từng cá nhân trong dòng tộc của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Nắm bắt nhu cầu thực tế trên, bộ phận trưng bày đã nghĩ đến việc xây dựng phần mềm tra cứu thông tin gia phả họ Tôn. Thông qua đó, ngoài việc được xem hình ảnh với độ phân giải cao, khách tham quan còn có thể xem thông tin cá nhân từng thành viên trong phả hệ: Nhánh gia đình và bà con, thân tộc của Chủ tịch Tôn Đức Thắng và cả nhánh bên vợ của Bác Tôn. Qua đó, giúp khách tham quan có cái nhìn trực quan, sinh động hơn, đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu của khách tham quan về gia đình, thân tộc của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Tại đây, khách tham quan có thể chạm, phóng to hay thu nhỏ hình ảnh trên màn hình cảm ứng. Ngoài việc xem cây gia phả họ Tôn, khách tham quan còn xem được tiểu sử Chủ tịch Tôn Đức Thắng được biên tập nội dung cô đọng và minh họa bằng hình ảnh trực quan giúp người xem không bị nhàm chán, đơn điệu khi đọc tiểu sử về Người.

         - Phần mềm thuyết minh tự động với ưu điểm là phục vụ tất cả khách tham quan đi lẻ hay theo đoàn, sau khi sử dụng smartphone quét mã code khách sẽ tự trải nghiệm nghe thuyết minh theo từng chủ đề (không cần có thuyết minh viên hướng dẫn), thông qua 3 nội dung chính của phòng trưng bày:

          + Bối cảnh tỉnh Long Xuyên cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

          + Thời niên thiếu Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

          + Các câu chuyện đời thường về thời niên thiếu Chủ tịch Tôn Đức Thắng (Câu chuyện nghĩa hiệp 5 người; Câu chuyện tự cạo trọc đầu; Câu chuyện phản đối hình phạt của Đốc học người Pháp).

         Ngoài việc nghe thuyết minh tự động, phần mềm còn giúp khách tham quan xem được các hình ảnh, tư liệu, hiện vật không có trên đai trưng bày do giới hạn về diện tích. Ngoài ra, phần mềm còn cung cấp cho khách tham quan biết thêm thông tin về tiểu sử Chủ tịch Tôn Đức Thắng, về quá trình thành lập bảo tàng mang tên Người. Trong quá trình thực hiện trưng bày, cái khó của người thực hiện là thiếu hiện vật hay hình ảnh để kể về các câu chuyện đời thường của Người. Các câu chuyện này chỉ được đọc qua sách. Thông điệp của các câu chuyện này là làm cho người xem cảm nhận được tính nghĩa hiệp, sự khảng khái, yêu ghét rõ ràng của một thiếu niên Nam bộ, từ đó hình thành nên tính cách Tôn Đức Thắng. Có nhiều phương án được đưa ra nhưng đều bị loại bỏ vì không hợp lý như: vẽ tranh 3D thì diện tích trưng bày không cho phép, làm phim hoạt hình 3D thì kinh phí sẽ rất cao và đòi hỏi nhiều thời gian. Vì vậy đội ngũ thực hiện trưng bày đã nghĩ đến việc vẽ tranh cát. Vẽ tranh cát để kể các câu chuyện đời thường thời niên thiếu Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một trải nghiệm mới trong trưng bày và lôi cuốn khách tham quan. Nó đã giải quyết được câu chuyện khó khăn về kinh phí, và những hạn chế về hiện vật, tư liệu, nhân chứng lịch sử mà bảo tàng đang gặp phải.

         3. Kết luận:

         Áp dụng các hình thức tương tác, trải nghiệm và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong trưng bày đang là hướng đi mới của Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Trong đó, 3 phòng trưng bày “Bác Tôn – Câu chuyện giáo dục trong gia đình qua những lá thư”, “15 năm tù Côn Đảo” và “Thời niên thiếu Chủ tịch Tôn Đức Thắng” có số lượng khách tham quan dừng lại lâu nhất. Ngoài việc được xem các thông tin nội dung đầy đủ, sau khi tham trưng bày, người xem còn có thể tương tác với bảo tàng bằng việc tự viết về cách giáo dục trong gia đình mình thông qua những lá thư được cung cấp sẵn hay chính họ tự trải nghiệm việc xay lúa, xem gia phả Chủ tịch Tôn Đức Thắng qua màn hình cảm ứng hay nghe thuyết minh tự động thông qua phần mềm của bảo tàng.

         Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy những thành công trên, đội ngũ trưng bày Bảo tàng Tôn Đức Thắng cần phải năng động hơn nữa trong việc tiếp cận và tìm những ứng dụng công nghệ mới nhằm thu hút khách tham quan cũng như tìm theo các hình thức trải nghiệm, tương tác khác trong các trưng bày tương lai như:

         - Thông qua hiện vật là bộ dụng cụ làm mộc và sửa xe, bảo tàng sẽ tạo một không gian trải nghiệm để các em thiếu nhi học sửa chữa xe đạp, sửa chữa máy móc đơn giản.

         - Thông qua trưng bày “Chân dung Chủ tịch Tôn Đức Thắng qua các tác phẩm mỹ thuật”, công chúng tự họa chân dung họ bằng các chất liệu phong phú mà các nghệ nhân đã tạo nên những bức tranh về Bác Tôn như: ghép bằng tem, vẽ ngược lên kính...

         - Áp dụng phần mềm tương tác thực tế ảo AR (Augmented Reality): Sử dụng một màn hình lớn cùng camera để thu ảnh trực tiếp của khách tham quan vào màn hình. Những tương tác của người dùng trên màn hình sẽ được camera độ sâu ghi nhận, gửi hình ảnh về ứng dụng trên máy tính để từ đó, ứng dụng có thể chạy thuật toán, xử lý thông tin và phản hồi lại với những tương tác của người dùng một cách chính xác qua màn hình. Ví dụ như khi khách tham quan cầm 1 mái chèo, thông qua màn hình, khách tham quan sẽ thấy hình ảnh sông nước của miền quê An Giang hiện lên, lúc này khách tham quan sẽ thấy mình đang chèo ghe, xung quanh là con đò xuôi ngược để ghé vào cù lao Ông Hổ - Long Xuyên. Bên cạnh đó khách tham quan sẽ nghe thấy tiếng sóng nước, sẽ nhìn thấy (thông qua màn hình) từng cơn gió thổi qua.

         - Phần mềm mô phỏng hiện vật, hình ảnh 3D: thông qua smartphone, khách tham quan sẽ nhìn thấy các hiện vật, hình ảnh được tái tạo lại theo mô thức ảnh động 3D. Bên cạnh đó, phần mềm sẽ thuyết minh về hiện vật theo 2 ngôn ngữ Việt – Anh. Khách tham quan có thể xem một cách độc lập, tìm hiểu thông tin các hiện vật, tư liệu, hình ảnh trưng bày thông qua smartphone. Nếu trước đây, khách tham quan bảo tàng Tôn Đức Thắng chỉ được thấy ngôi nhà sàn Bác Tôn qua hình ảnh thì qua phần mềm này, sẽ cho thấy toàn cảnh ngôi nhà sàn Bác Tôn được tái hiện qua mô hình 3D, sẽ được nghe thuyết minh tự động về ngôi nhà. Từ đó, khách tham quan sẽ chủ động khám khá các phòng trưng bày tại bảo tàng với một cách thích thú.

         - Phần mềm tra cứu bản đồ nhà tù Côn Đảo: thông màn hình cảm ứng, người xem sẽ biết được chi tiết thông tin các Banh tù, khám giam, sở tù hay các hòn đảo của quần đảo Côn Đảo. Phần mềm có 2 ngôn ngữ Việt-Anh. Giao diện chính của phần mềm được vẽ 3D sinh động với vị trí 16 hòn đảo của quần đảo Côn Đảo cùng biển cả (hiệu ứng làm cho biển gợn sóng lăn tăn).

         - Phần mềm “Hành trình theo chân Bác”: Thông qua phần mềm được tương tác trên màn hình cảm ứng, khách tham quan sẽ tra cứu được thông tin các di tích đã ghi đậm dấu ấn hoạt động cách mạng của Bác Tôn. Hình ảnh các di tích sẽ được quét toàn cảnh (panorama), các thông tin về di tích cũng sẽ được thuyết minh tự động.

    Ghi rõ nguồn baotangtonducthang.vn khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.

    Giờ mở cửa

         Hiện nay, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đang trong giai đoạn thực hiện dự án xây dựng mới nên chưa phục vụ khách tham quan. Bảo tàng phục vụ công chúng dâng hương và tham quan tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (số 01 đường Nguyễn Tất Thành, Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh) vào các ngày trong tuần (trừ thứ Hai)

    Sáng: 7 giờ 30 đến 11 giờ 30.

    Chiều: 13 giờ 30 đến 17 giờ.

     

    Địa chỉ

    Xem bản đồ chỉ đường
    Đăng ký tham quan