Nguyễn Thị Ngọc Dung
Di sản viên hạng III, Phòng Giáo dục - Truyền thông Bảo tàng Tôn Đức Thắng
Công tác giáo dục bảo tàng nhằm cung cấp cho công chúng, khách tham quan cơ hội được mở rộng sự hiểu biết, trải nghiệm và sáng tạo. Công tác giáo dục và phổ biến tri thức là mục tiêu hàng đầu của bảo tàng, giáo dục trực quan thông qua hiện vật gốc, các bộ sưu tập hiện vật gốc. Mục đích của công tác giáo dục bảo tàng nhằm thu hút rộng rãi và đông đảo các tầng lớp công chúng trong cộng đồng, khuyến khích công chúng tham gia tương tác, khám phá, trải nghiệm vào các hoạt động của bảo tàng cũng như ủng hộ các hoạt động, chính sách của bảo tàng. Bài viết giới thiệu sơ lược những hoạt động giáo dục của Bảo tàng Tôn Đức Thắng trong những năm qua. Đồng thời, qua đó nhận định, đánh giá và đưa ra định hướng phát triển trong giai đoạn mới khi Bảo tàng Tôn Đức Thắng được đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng công trình mới.
Bảo tàng Tôn Đức Thắng có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, giới thiệu đến công chúng những tài liệu, hiện vật có liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, tình cảm của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế đối với Người. Bảo tàng Tôn Đức Thắng giữ vai trò nhất định trong đời sống xã hội của người dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng như du khách trong và ngoài nước.Vì thế, để truyền tải những nhiệm vụ trọng tâm trên thì công tác giáo dục tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng trong những năm qua luôn được đơn vị quan tâm và đầu tư, có sự đổi mới để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của công chúng.
Hoạt động đầu tiên của công tác giáo dục tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng là hướng dẫn tham quan. Đây là hoạt động không chỉ đơn thuần cung cấp cho công chúng những bài “thuyết minh”, “giới thiệu” một chiều mà phải có sự thay đổi như lồng ghép vào trong nội dung thuyết minh là những câu chuyện kể về hiện vật, tài liệu hay hình ảnh trưng bày nhằm thu hút sự tò mò, hứng thú của khách tham quan, nhưng vẫn đảm bảo chức năng giáo dục, mang lại lợi ích cho cộng đồng và phù hợp với sự phát triển của xã hội. Đội ngũ viên chức làm công tác hướng dẫn, thuyết minh của Bảo tàng thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng, trau dồi kiến thức lịch sử, văn hóa, ngoại ngữ và kỹ năng nghiệp vụ, từng bước nâng cao chất lượng công tác hướng dẫn và hướng đến chuyên nghiệp hóa. Bên cạnh đó, hình thức hướng dẫn tham quan cần có sự tương tác với công chúng, tạo cho công chúng cơ hội được học tập, nghiên cứu, giải trí, hưởng thụ văn hóa và các thành quả khác trong bảo tàng một cách cởi mở, hai chiều .
Hoạt động “Một ngày làm hướng dẫn viên bảo tàng”
Ngoài công tác hướng dẫn khách tham quan trên hệ thống trưng bày cố định, trong những năm qua, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động giáo dục bổ ích mang lại hiệu quả nhất định trong việc đưa bảo tàng đến với công chúng qua các hội thi, như: “Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Một nhân cách lớn”, đã tạo ra một phong trào học tập, tìm hiểu về Bác Tôn, đồng thời là đợt sinh hoạt chính trị trong công nhân viên chức, người lao động, Đoàn viên thanh niên tại các Công đoàn cơ sở thuộc Liên đoàn Lao động Thành phố; hội thi “Sắc màu quanh em”, “Liên hoan tiếng hát các trường mang tên Tôn Đức Thắng”; Hội thi vẽ tranh “Thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh với Bác Tôn” thu hút sự tham gia của đông đảo thanh niên, công nhân, học sinh, sinh viên tại các trường học, các em thiếu nhi đang sinh hoạt tại các nhà thiếu nhi, trung tâm văn hóa, lớp vẽ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Hội thi “Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Một nhân cách lớn”
Bên cạnh đó, Bảo tàng đã xây dựng nhiều chương trình giáo dục mới, sinh động, hấp dẫn như: “Em yêu lịch sử” (2014), “Ai nhớ nhiều nhất” (2016), “Vui để học” (2017), đây là một hình thức vừa học, vừa chơi, giúp người tham gia vừa tìm hiểu kiến thức về lịch sử, về Bác Tôn qua các nội dung trưng bày hay các phim tư liệu, vừa tham gia các trò chơi vận động đa dạng tạo sự phấn khởi cho người tham gia. Hiện nay, các chương trình giáo dục trên đã có những cải tiến, đổi mới đáng kể, như: nội dung các câu hỏi được phân chia theo đối tượng tham gia hay theo các trưng bày chuyên đề của bảo tàng. Các chương trình giáo dục của Bảo tàng không chỉ được tổ chức tại các quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh, mà còn vươn xa đến các tỉnh miền Trung, khu vực Tây Nguyên, các tỉnh miền Tây Nam bộ,…
Chương trình giáo dục “Vui để học”
Trong hai năm qua, do công trình Bảo tàng Tôn Đức Thắng đang trong giai đoạn xây dựng mới cùng với nguyên nhân khách quan từ dịch Covid-19, đơn vị đã linh hoạt đề ra biện pháp tăng cường hoạt động tuyên truyền giáo dục bằng hình thức trực tuyến bằng các ứng dụng Myaloha, Google form, Kahoot.it để tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Tôn đến với công chúng, vừa đảm bảo thực hiện an toàn trong tình hình dịch bệnh xảy ra. Đây là một giải pháp tuyên truyền hiệu quả, chuyên nghiệp và tiết kiệm. Các nội dung, hình thức, thể lệ hội thi được trình bày bắt mắt và dễ dàng tìm thấy trên trang thông tin nội bộ, fanpage của Bảo tàng giúp công chúng tiếp cận và tham gia nhanh chóng, thuận tiện trên điện thoại thông minh. Thông qua hình thức này, Bảo tàng tận dụng nguồn tài nguyên internet, đã tạo ra một hình thức tuyên truyền giáo dục mới đầy sinh động, hấp dẫn cho công chúng trong thời gian thực hiện biện pháp giãn cách vì yêu cầu phòng, chống dịch Covid 19, đây cũng là biện pháp cấp thiết trong tình hình dịch bệnh chưa được khống chế. Tuy nhiên, với hình thức này người tham gia chưa được trải nghiệm thực tế, cảm xúc, sự hòa hứng sẽ không trọn vẹn như khi tham gia một chương trình trực tiếp mang lại. Nhưng tính hiệu quả thì không thể không công nhận, tính đến tháng 8/2022, tổng số cuộc thi trực tuyến được tổ chức là 15 cuộc, thu hút sự tham gia đông đảo của học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên, viên chức, người lao động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh An Giang.
Các hội thảo, tọa đàm khoa học, nói chuyện chuyên đề, xuất bản các ấn phẩm được thực hiện nhân các dịp kỷ niệm, sự kiện của đơn vị. Nhân dịp kỷ niệm 117 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/08/1888 - 20/08/2005) và 60 năm ngày Bác Tôn thoát khỏi nhà tù Côn Đảo (9/1945 - 9/2005), Bảo tàng Tôn Đức Thắng phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sưu tầm, tuyển chọn và xuất bản quyển sách Tôn Đức Thắng - Những bài nói và viết chọn lọc”. Năm 2008, nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2008) và kỷ niệm 20 năm thành lập Bảo tàng Tôn Đức Thắng (8/1988 - 8/2008), Bảo tàng Tôn Đức Thắng phối hợp với Viện Nghiên cứu Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Khoa học - Thực tiễn “Bảo tàng Tôn Đức Thắng - Một địa chỉ văn hóa”. Trên cơ sở biên tập hơn 50 tham luận từ Hội thảo, cuốn sách Chủ tịch Tôn Đức Thắng và bảo tàng mang tên Người tổng cộng có 36 bài viết được phát hành nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, tìm hiểu về Chủ tịch Tôn Đức Thắng và hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa liên quan đến danh nhân Tôn Đức Thắng.
Ấn phẩm về Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Tuy nhiên, ngày nay với hướng đa dạng hóa, xã hội hóa hoạt động bảo tàng thì hoạt động của Bảo tàng Tôn Đức Thắng phải tự đổi mới, để bắt kịp với thị hiếu ngày càng cao của công chúng. Bên cạnh việc luôn đổi mới nội dung và hình thức trưng bày để thu hút khách tham quan, đội ngũ viên chức làm công tác giáo dục cần nghiên cứu, xây dựng các hình thức hướng dẫn tham quan, chương trình giáo dục mang tính tương tác, trải nghiệm để đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu sâu về Bác Tôn cũng như hưởng thụ văn hóa của khách tham quan.
Về hình thức tham quan, Bảo tàng sẽ phối hợp cụ thể với các trường, chia nhỏ số lượng học sinh khi đến tham quan. Các trường học thường tổ chức cho học sinh đi tham quan học tập ở bảo tàng với số lượng quá đông và đi tập trung trong một buổi, hình thức phổ biến vẫn là hướng dẫn khái quát toàn bộ nội dung hệ thống trưng bày cho học sinh... Trên thực tế, khi tham quan cả hệ thống trưng bày với một thời gian quy định, rất dễ làm cho các em mệt mỏi, không tập trung để lĩnh hội những thông tin lịch sử, do vậy, kết quả thu được sẽ bị hạn chế. Hơn nữa, mặc dù đã được phổ biến về mục đích yêu cầu của buổi tham quan, học tập nhưng đôi khi các em vẫn còn có tâm lý coi buổi tham quan mang tính chất ép buộc nên hiệu quả tác động nhận thức chưa cao. Vì vậy, cần có sự phối hợp giữa những người làm công tác giáo dục trong bảo tàng với giáo viên, cần có một chương trình nghiên cứu nghiêm túc giữa nội dung chương trình học của nhà trường với nội dung trong trưng bày, đưa ra những đánh giá khái quát như: nội dung chính của trưng bày, những thông tin cơ bản giúp giáo viên chuẩn bị cho chuyến tham quan, bao gồm những thông tin khái quát, kỹ năng quan sát hiện vật và kỹ năng kết nối thông tin, các hoạt động của giáo viên với học sinh trước - trong - sau khi xem trưng bày, trong đó có nhiều câu hỏi thảo luận,...Sau khi kết thúc chuyến tham quan, nên bám theo phần thảo luận về nội dung trưng bày trước khi tham quan mà yêu cầu học sinh cùng nhau đưa ra những câu hỏi hoặc những cảm nhận sâu sắc và những điều quan sát được tại bảo tàng.
Trong quá trình diễn ra hoạt động trải nghiệm (đặc biệt dưới hình thức các trò chơi, cuộc thi...) cần tạo không khí sôi nổi, hấp dẫn, khích lệ, động viên, lôi kéo và tạo cơ hội cho mọi học sinh được tham gia, không tập trung vào một số em. Trong tương lai không xa, khi hoàn thành công trình xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng, hy vọng rằng hệ thống thuyết minh tự động (autoguide) sẽ được áp dụng nhằm chuyển tải lượng thông tin chính xác và hữu ích đến từng đối tượng khách tham quan nhằm mang đến cho du khách sự hài lòng, một sự trải nghiệm thú vị và những ấn tượng tốt đẹp về bảo tàng.
Ngoài ra, Bảo tàng cần tạo không gian văn hóa thích hợp để học sinh được tham gia hoạt động sáng tạo, tương tác, trải nghiệm; xây dựng đội ngũ cộng tác viên là giáo viên, sinh viên, nhóm những người bạn của bảo tàng và hoạt động của đội ngũ này sẽ mang tính chất tạo thêm nhân tố mới cho các hoạt động của bảo tàng...; tăng cường quảng bá bảo tàng qua các phương tiện thông tin đại chúng, công nghệ 4.0; “liên kết giáo dục cộng đồng” là định hướng và cũng là giải pháp nhằm không ngừng đổi mới công tác giáo dục của các bảo tàng, sự phối hợp và liên kết các hoạt động giữa bảo tàng với ngành giáo dục, các trường học chắc chắn sẽ giúp cho các chương trình giáo dục đạt hiệu quả cao hơn.
Các chương trình giáo dục cần thiết kế gọn, phù hợp với từng lứa tuổi, đối tượng công chúng, xây dựng ngân hàng câu hỏi thi trực tuyến đa dạng, các hoạt động của trò chơi vận động phong phú, thu hút. Xác định những điểm ưu tiên về chương trình giáo dục từ đó xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện theo từng đối tượng công chúng. Bên cạnh đó, sau mỗi chương trình giáo dục được thực hiện cần có những đánh giá về chương trình có phù hợp với mục tiêu đề ra hay không, có đáp ứng được nhu cầu mong đợi của công chúng hay chưa? Từ đó rút ra những kinh nghiệm và cách thức phát triển những chương trình giáo dục mới trong tương lai. Hoạt động phối hợp giữa Bảo tàng với các trường học, các đơn vị thuộc ngành văn hóa, các Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện tại Thành phố Hồ Chí Minh cần được tăng cường trong chương trình sử dụng di sản trong dạy và học, đưa bảo tàng đến với trường học; xây dựng nội dung chương trình giáo dục phù hợp với chương trình dạy sử của các cấp học và từng đối tượng học sinh. Ngoài ra, Bảo tàng cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, trong việc phối hợp tổ chức các chương trình giáo dục để các bên tham gia cùng chia sẻ kinh phí thực hiện, nhất là các chương trình thực hiện ngoài khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.
Tăng cường tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học để làm rõ hơn những mốc thời gian quan trọng về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng và trên cở sở đó xây dựng các hoạt động giáo dục, tương tác, trải nghiệm phù hợp.
Thời gian tới, khi hoàn thành dự án xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng cùng với những đổi mới về nội dung, hình thức trưng bày hiện đại, gắn với việc tương tác, trải nghiệm trong trưng bày sẽ có những đổi mới hợp lý và đưa Bảo tàng Tôn Đức Thắng trở thành điểm đến hấp dẫn hơn cho công chúng tham quan trong và ngoài nước./.