PGS.TS Nguyễn Văn Huy
Trung tâm NC và phát huy giá trị văn hóa (CCH)
Các bảo tàng và di tích trên thế giới từ lâu đã đặc biệt chú trọng việc để khách tham quan có thể trực tiếp trải nghiệm và tương tác. Ở nước ta, trong những năm gần đây, các bảo tàng cũng bắt đầu đẩy mạnh hoạt động trải nghiệm và tương tác. Các hoạt động này đang ngày càng trở thành một xu hướng quan trọng trong việc phát huy những giá trị của bảo tàng, tạo sự quan tâm và hấp dẫn công chúng đối với bảo tàng. Sáng kiến tổ chức một hội thảo về vấn đề trải nghiệm và tương tác do Bảo tàng Tôn Đức Thắng đề xuất là cơ hội để chúng ta cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm về vấn đề quan trọng này. Trong báo cáo này tôi muốn chia sẻ một số kinh nghiệm, suy nghĩ của mình khi được trực tiếp trải nghiệm ở các bảo tàng trong và ngoài nước, từ đó gợi mở một số hướng ứng dụng vào thực tiễn bảo tàng nước ta.
Vai trò và ý nghĩa của hoạt động trải nghiệm trong bào tàng
Trải nghiệm là một khái niệm quan trọng đối với con người, nhất là thế hệ trẻ. Chúng ta thường nói trải nghiệm trường đời, tức là cuộc sống chính là môi trường trải nghiệm lớn nhất. Hiểu một cách đơn giản trải nghiệm là sự quan sát, tham dự hay tham gia của một cá nhân đối với một sự kiện, sự vật nào đó.
Cuộc sống rất đa dạng, nội dung cũng như hình thức trải nghiệm vô cùng phong phú. Có biết bao hình thức, cách thức trải nghiệm khác nhau khi con người được ném vào một hoàn cảnh hay tự dấn thân vào cuộc sống đa dạng này. Đó là trải nghiệm từ trong gia đình đến xã hội, từ các nghề nghiệp khác nhau đến các môi trường thiên nhiên, sinh thái ở nông thôn hay đô thị, miền núi hay miền biển, ở trong nước và ngoài nước. Trải nghiệm trong môi trường học tập ở trường và tự học. Trải nghiệm bằng du lịch, bằng các kiểu và loại hình du lịch khác nhau... Trải nghiệm mang lại những giá trị khác nhau cho mỗi người.
Bảo tàng, di tích là những thiết chế văn hoá có môi trường trải nghiệm đặc biệt do con người tạo ra. Môi trường trải nghiệm này là một sự đúc rút cô đọng, tinh tế, tinh hoa về lịch sử, cuộc sống và thiên nhiên. Qua cách dẫn dắt của nhà khoa học và người làm bảo tàng, công chúng đến đây có thể trải nghiệm được nhiều thứ nhất trong một thời gian ngắn nhất. Bảo tàng có ưu thế, có thế mạnh là tạo ra những trải nghiệm mang tính tổng thể.
Môi trường trải nghiệm ở bảo tàng vô cùng đa dạng với nhiều phương diện, nội dung khác nhau về thời gian, lịch sử, xã hội, văn hoá; về chủng tộc, dân tộc, quốc gia; về không gian vô tận, không những trên trái đất, từ đông sang tây, từ bắc đến nam, mà cả bên ngoài trái đất, bầu trời và các hành tinh xa gần…
Mỗi trưng bày trong bảo tàng, dù là bảo tàng lịch sử, bảo tàng về nhân vật, bảo tàng về giới, bảo tàng về ngành nghề, hay bảo tàng về công nghệ, bảo tàng thiên nhiên..., dù là trưng bày thường xuyên hay trưng bày nhất thời, đều cố gắng tạo ra môi trường để công chúng trải nghiệm. Trải nghiệm đó có làm cho công chúng hứng thú hay không, có ích với họ hay không tuỳ thuộc vào nội dung, chất lượng mỗi cuộc trưng bày- môi trường trải nghiệm. Một cuộc trưng bày cho người ta trải nghiệm một hoặc một vài vấn đề nhưng muốn hay, hấp dẫn và muốn hiệu quả thì cuộc trưng bày phải có thông điệp rõ ràng. Thông điệp chính, thông điệp tổng thể cho cả cuộc trưng bày. Những thông điệp nhỏ hơn ở cấp độ những câu chuyện diễn giải cho thông điệp chính. Người ta sẽ trải nghiệm câu chuyện bằng bài viết, bằng hiện vật, hình ảnh tĩnh, hình ảnh động, âm thanh, mầu sắc, ánh sáng. Công chúng được trải nghiệm bằng tất cả các giác quan. Không được tham gia trực tiếp trong những sự kiện lịch sử, chẳng hạn, nhưng công chúng có cơ hội hiểu biết kỹ hơn và có những thang bậc cảm xúc khác nhau về sự kiện đó thông qua cuộc trưng bày. Xem trưng bày người ta suy nghĩ về chúng, tự rút ra cho mình một điều gì đó như kinh nghiệm, tri thức hay cảm xúc. Người ta sẽ nhớ, nhớ rất lâu những trải nghiệm được tham gia. Ở một lúc nào đó, ở một hoàn cảnh nào đó khó nói trước người ta sẽ ứng dụng những kinh nghiệm từ trải nghiệm đó vào cuộc sống, vào công việc của mình. Người ta sẽ mang theo suốt cả cuộc đời những kiến thức, cảm xúc rút ra từ trải nghiệm có ấn tượng sâu sắc ở bảo tàng. Đó chính là giá trị trải nghiệm mà bảo tàng mang lại cho công chúng.
Ngoài trải nghiệm qua trưng bày, bảo tàng còn có nhiều hình thức trải nghiệm khác. Đó là trải nghiệm thông qua các hoạt động trình diễn, biểu diễn. Ở đây người trải nghiệm không chỉ xem, nghe mà quan trọng hơn họ được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ với các chủ thể văn hoá tham gia trình diễn, biểu diễn. Nhiều bảo tàng khi tổ chức các sự kiện này không chú ý tổ chức giao lưu hoặc chưa biết cách giúp các chủ thể được mời đến cách thức và kỹ năng chia sẻ với công chúng để cho công chúng có những trải nghiệm thú vị nhất trong quá trình giao lưu.
Giao lưu với các nhân chứng lịch sử là một hoạt động trải nghiệm mà nhiều bảo tàng, di tích trên cả nước đã thực hiện và thực hiện rất thành công, có nhiều sáng tạo trong hoạt động này. Điều đó tạo ra những trải nghiệm thú vị đặc biệt với thế hệ trẻ.
Bảo tàng tổ chức các trải nghiệm thích ứng/thoả mãn nhu cầu của các đối tượng công chúng khác nhau.Với thế hệ trẻ, nhất là với học sinh, thì trải nghiệm có tương tác giữ một vai trò đặc biệt quan trọng.
Hoạt động tương tác trong bảo tàng
Tương tác là một loại trải nghiệm, một khái niệm mới, khái niệm này không phải xuất hiện quá lâu trong giới bảo tàng trong và ngoài nước. Nó được bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ 21 (khoảng năm 2000) ở các bảo tàng ở Mỹ và châu Âu. Tương tác trên các thiết bị công nghệ, đặc biệt trò chơi (games) thì chỉ mới phát triển vào thập kỷ đầu của thế kỷ này.
Ở nước ta, các bảo tàng chỉ gần đây mới bắt đầu chú ý đến phát triển các hoạt động tương tác. Các hoạt động này ở một số bảo tàng tỏ ra rất hiệu quả nhưng nhiều bảo tàng còn lẻ tẻ, nhiều khi chắp vá. Ở đây tôi xin nêu ra một số vấn đề để chúng ta cùng thảo thảo luận tìm ra cách làm và tổ chức tương tác tốt nhất trong điều kiện bảo tàng ở nước ta.
Tương tác là gì?
Tương tác là sự tham gia của từng cá nhân vào những hoạt động được bảo tàng tổ chức. Người ta có thể tổ chức hoạt động tương tác trong phòng trưng bày (trưng bày thường xuyên, trưng bày nhất thời) và/hay trong các không gian khám phá, phòng giáo dục. Tương tác trong hoạt động bảo tàng có thể được xác định bởi một số yếu tố chủ yếu sau:
- Là một hoạt động mang tính thể chất của con người, kích thích sự hoạt động của một hay các giác quan của khách tham quan.
- Là sự tham gia của từng cá nhân vào những hoạt động được bảo tàng tổ chức.
- Là sự kích thích khách tham quan hiểu sâu về nội dung trưng bày và các hoạt động liên quan, được cung cấp thông tin nhiều hơn.
Từ đó nâng cao nhận thức, trí tuệ, tình cảm và cảm xúc của khách tham quan tham gia vào hoạt động tương tác.
Tổ chức tương tác cho ai?
Tổ chức mỗi hoạt động tương tác cần nhắm trước vào đối tượng nào. Câu hỏi quan trọng là: hoạt động tương tác này dành cho ai. Có trả lời rõ câu hỏi này thì việc tổ chức hoạt động tương tác mới có mục tiêu, hiệu quả. Có hoạt động tương tác dành cho đông đảo khách tham quan. Có hoạt động hướng đến thế hệ trẻ. Có hoạt động tương tác hướng trọng tâm đến học sinh, kể cả học sinh nhỏ tuổi nhất.
Các bảo tàng ở các nước phát triển người ta không chỉ chú ý học sinh trong trường học mà còn đều hướng trọng tâm đến cả đối tượng tương tác là gia đình, nhóm gia đình, trẻ em đi với ông bà, cha mẹ. Cha mẹ chơi với con, hướng dẫn các con thực hành trải nghiệm tương tác trong bảo tàng, di tích. Ít bảo tàng ở nước ta thành công với đối tượng này. Nguyên nhân của việc này phải chăng có thể là:
- Do chưa thực sự quan tâm đến đối tượng này;
- Do chưa có những hoạt động phù hợp, thích hợp với đối tượng gia đình;
- Do chưa truyền thông, tiếp thị đúng mức.
Trong khi đó, như chúng ta quan sát thấy, nhiều siêu thị lớn ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hay nhiều nơi khác đã khai thác khá tốt cách tổ chức hoạt động tương tác để thu hút sự quan tâm của khách hàng. Họ tổ chức không gian trải nghiệm, tương tác cho trẻ em như một phần trong hoạt động hỗ trợ kinh doanh để thu hút trẻ em và gia đình. Họ có sự nghiên cứu và đầu tư thích đáng. Họ đã thành công. Đó là một thực tế rất đáng để chúng ta cùng suy nghĩ.
Xác định rõ mục đích của mỗi hoạt động tương tác là gì?
Mỗi hoạt động tương tác được tạo ra cần xác định rõ mục đích của nó, tức là nó để nhằm giúp cho người tương tác thu nhận được điều gì cho bản thân. Điều đó có thể đạt được mục tiêu như tăng thêm thông tin, hiểu sâu hơn về đối tượng hay gây một cảm xúc nhất định liên quan đến đối tượng trưng bày.
Một số nguyên tắc tổ chức hoạt động tương tác
Có nhiều nguyên tắc tổ chức hoạt động tương tác. Có thể kể ra một số dưới đây:
Nguyên tắc thứ nhất: tương tác là hành động; phải tạo hành động để công chúng tham gia hoạt động.
Nguyên tắc thứ hai: khách tham quan phải/được tham gia vào hoạt động. Tức là khuyến khích tất cả mọi người cùng hoạt động, hoạt động bình đẳng, không phân biệt người giỏi người kém, không tạo sự mặc cảm cho bất cứ ai, nhất là người yếu kém về một phương diện nào đó. Chính vì thế giáo dục trải nghiệm và tương tác không khuyến khích việc tổ chức các hoạt động kiểu thi kiến thức giữa các cá nhân hay nhóm theo kiểu ai nhớ nhiều nhớ nhanh, giải đáp câu hỏi đúng sai, nhanh chậm. Những loại hoạt động trên truyền hình như Tôi là triệu phú, Trên đỉnh Olympic, Đuổi hình bắt chữ ... tuy được nhiều người ưa thích nhưng lại không phải là mô hình cần được áp dụng trong bảo tàng bởi nó trái với nguyên tắc xây dựng hoạt động tương tác như đã nói trên. Nó chỉ khuyến khích người giỏi, có trí nhớ tốt nhưng nó làm tổn hại tới những người không có khả năng này. Đáng tiếc là nhiều bảo tàng ở nước ta lại đã và đang học theo cách làm của truyền hình, coi như đây là hoạt động chính của mình.
Nguyên tắc thứ ba là khuyến khích cá nhân, nhóm tìm tòi, khám phá thông tin trên trưng bày, trong di tích; giúp hiểu sâu, tự tìm cho mình lời giải thích về hiện vật, sự việc.
Nguyên tắc thứ tư là khuyến khích sự giao lưu, trao đổi, chia sẻ giữa các cá nhân, nhóm. Bảo tàng ngày càng hướng đến trở thành một môi trường để người ta đến giao lưu, chia sẻ. Tổ chức các hình thức giao lưu, chia sẻ khác nhau, đa dạng giữa các cá nhân phù hợp với nội dung của bảo tàng.
Nguyên tắc thứ năm, nghiên cứu và tích hợp hoạt động tương tác ngay từ đầu trong quá trình chuẩn bị nội dung trưng bày và thiết kế trưng bày, như một thành phần không thể thiếu được của trưng bày và hoạt động giáo dục bảo tàng.
Nguyên tắc thứ sáu, các hoạt động tương tác được xây dựng sao cho dễ dàng tiếp cận, dễ thao tác, dễ sử dụng; đồng thời lại dễ hấp dẫn, thu hút sự tò mò của khách; vừa dễ bảo trì, sửa chữa.
Nguyên tắc thứ bảy, các hoạt động tương tác được tổ chức dành riêng cho học sinh thì cần đi theo nhóm nhỏ. Đó là nguyên tắc quan trọng của việc tổ chức hoạt động tương tác ở bảo tàng. Chính điều này đã làm xuất hiện một vấn đề lớn mà các bảo tàng ở ta thường gặp phải, đó là các trường thường đưa học sinh đến thăm bảo tàng quá đông, 200-300 em hoặc hơn nữa. Hoạt động tương tác không phù hợp với số lớn như vậy. Tình trạng này nếu không được nhanh chóng cải thiện sẽ khó cho việc phát triển và phát huy hiệu quả của hoạt động tương tác.
Phân loại/phân nhóm các hoạt động tương tác
Hoạt động tương tác cá nhân ở bảo tàng có thể phân thành nhiều loại theo các tiêu chí khác nhau. Chẳng hạn như tương tác kích thích một hay nhiều giác quan khác nhau: nghe (thính giác), sờ, nắm, trèo (xúc giác), nhìn (thị giác), ngửi (khứu giác), nếm (vị giác). Người ta cố gắng phát huy hết các giác quan trong hoạt động tương tác để tạo cho công chúng một trải nghiệm thực sự thú vị vừa có nhiều cảm xúc vừa có thêm nhận thức mới.
Cụ thể
Xúc giác:
-Tương tác qua trải nghiệm mặc trang phục
- Tương tác hoạt động thủ công (xếp hình, xây nhà, in, làm gốm)
-Tương tác về kỹ thuật (mộc, điện, cơ khí)
- Tương tác kích thích hoạt động trong một không gian được tái tạo, được khuyến khích ngồi, sờ, leo trèo, thử sức nặng của một vật thể…
Thị giác:
- Tương tác qua hoạt động thể theo như bắn cung, nỏ
- Tương tác trả lời bảng hỏi trong quá trình đi tìm thông tin và hiện vật.
Thính giác:
- Tương tác nghe âm thanh môi trường (tiếng chim hót, dế kêu) hay nghe nhạc trong một bối cảnh nhất định
-Tương tác tự ghi âm, kể chuyện
Vị giác:
- Trải nghiệm ẩm thực
Khứu giác:
-Tạo mùi vị để ngửi trên trưng bày (ngửi các đồ gia vị)
Trực giác (giác quan thứ sáu): tâm linh, suy nghĩ
- Tương tác tự viết và đính những cảm nghĩ
Tương tác trên các thiết bị công nghệ
Gần đây các bảo tàng đang hướng đặc biệt đến phát triển tương tác trên các thiết bị công nghệ cao. Công nghệ cao luôn mới mẻ, luôn thay đổi, ngày càng phát triển, trở thành nhu cầu thường xuyên trong đời sống hàng này. Các thế hệ, đặc biệt thế hệ trẻ, thích ứng nhanh chóng với công nghệ. Các bảo tàng cũng cập nhật thường xuyên để không lạc hậu với cuộc sống, để đáp ứng đúng nhu cầu của khách tham quan.
Bảo tàng sử dụng công nghệ từ trình chiếu, màn hình cảm ứng, công nghệ ảo, ánh sáng cho đến điện thoại di động cho các hoạt động tương tác khác nhau. Sử dụng công nghệ để khách tìm kiếm thông tin hay trải nghiệm trong một môi trường ảo hoặc chơi trò chơi…
Một số vấn đề hiện nay đặt ra với trải nghiệm, tương tác bằng công nghệ là: sử dụng công nghệ như thế nào cho thực sự có hiệu quả; cho đảm bảo mục tiêu của tương tác-gắn, bổ sung, làm sâu sắc hơn sự hiểu biết và thông tin trên trưng bày; cho hài hòa giữa hoạt động tương tác truyền thống và tương tác công nghệ.
Tổ chức hoạt động tương tác ở đâu?
Có thể tổ chức hoạt động tương tác trong phòng trưng bày (trưng bày thường xuyên, trưng bày nhất thời) và/hay trong không gian khám phá, phòng giáo dục.
Các hoạt động tương tác có thể cố định ở một vị trí, cũng có thể hoạt động xung quanh những bàn di động có bánh xe. Các bàn di động này chứa đựng những hiện vật phù hợp với nội dung của phòng trưng bày để cho công chúng có thể cầm nắm, trải nghiệm, giao lưu với hướng dẫn viên chịu trách nhiệm xe đẩy này.
Tương tác trong phòng giáo dục/không gian khám phá có một số hoạt động đặc biệt, chuyên biệt phù hợp với từng lứa tuổi của trẻ em:
- Tìm kiếm thông tin theo chủ đề gắn với trải nghiệm trực tiếp các hiện vật mẫu; hoặc tìm kiếm khám phá thông tin trên trưng bày
-Thực hành các hoạt động thủ công
- Hoạt động nghệ thuật: vẽ, tô mầu, cắt giấy, gấp hình; hát, chơi nhạc cụ (đánh trống, mõ, chiêng...)
- Thuyết trình, viết bài, làm thơ
- Đóng kịch
- Quay phim, chụp ảnh, dựng video
- Trao đổi, thảo luận
Các hoạt động này có thể diễn ra trong một thời gian ngắn (15 phút- 45 phút) hoặc dài (chuẩn bị nhiều buổi trong nhiều tuần) tuỳ theo chương trình, dự án.
Đối tượng các hoạt động tương tác này chủ yếu là học sinh.
Gần đây người ta còn phát triển tương tác hành động nhóm cùng với các màn hình công nghệ cao (như cùng múa, cùng làm động tác giống theo màn hình).
Đầu tư kinh phí cho hoạt động tương tác
Các bảo tàng của chúng ta hiện nay chưa thực sự chú trọng đầu tư cho hoạt động tương tác cả về trí tuệ lẫn nguồn kinh phí cần thiết. Muốn tương tác thực sự trở thành một hoạt động hữu ích và hấp dẫn thì cần đầu tư hợp lý về kinh phí. Việc thuyết phục để các cấp quản lý tài chính của bảo tàng nhận thức rõ vai trò hoạt động trải nghiệm, tương tác là quan trọng như thế nào trong sự nghiệp đổi mới bảo tàng để có chủ trương đầu tư kinh phí cho hoạt động này là một việc thực sự cấp bách.
Kết luận
Một lần nữa có thể khẳng định hoạt động trải nghiệm và tương tác có một ý nghĩa rất quan trọng đối với bảo tàng; đó là xu thế và cũng là một thế mạnh của bảo tàng.
Các bảo tàng cần tìm mọi cách để phát huy thế mạnh này, trước hết tổ chức trưng bày cho có chất lượng, vận dụng thích hợp các loại hình tương tác. Điều quan trọng nữa là cần phối hợp chặt chẽ giữa nhóm trưng bày và nhóm giáo dục để có thể tổ chức ngay từ đầu các hoạt động tương tác trên trưng bày thường xuyên. Cần bồi dưỡng, đào tạo lại cán bộ bảo tàng để có những người chuyên trách, lành nghề trong việc tổ chức các hoạt động tương tác, giáo dục bảo tàng. Cần bố trí kinh phí thoả đáng để triển khai các môi trường trải nghiệm, hoạt động tương tác một cách tốt nhất.