Từ Đại hội thi đua yêu nước nhớ về công lao của Bác Tôn

Từ Đại hội thi đua yêu nước nhớ về công lao của Bác Tôn

Ngày đăng: 03/01/2024
In Trang
Cỡ chữ

    Nguyễn Huỳnh Tấn Hiệp
    Bảo tàng Tôn Đức Thắng

         Trải qua 72 năm thực hiện phong trào thi đua yêu nước với chín lần tổ chức Đại hội, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vẫn thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “lấy gương người tốt việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới” tạo động lực tinh thần, khí thế cách mạng mạnh mẽ, lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân. Đặc biệt, theo sát phong trào thi đua yêu nước chúng ta không thể quên được những đóng góp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Người được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trọng trách Trưởng ban vận động phong trào thi đua yêu nước từ những ngày đầu ra Lời kêu gọi thi đua yêu nước.

         Sau hội nghị Trung ương Đảng mở rộng vào tháng 01/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị phát động phong trào thi đua yêu nước. Thực hiện theo đề nghị và Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc, trong đó xác định “Mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công” . Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, phát động phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc; đồng thời giao cho đồng chí Tôn Đức Thắng là Trưởng ban vận động phong trào thi đua ái quốc, Hoàng Đạo Thúy làm Tổng thư ký.

         Thời kỳ đầu, đồng chí Tôn Đức Thắng và Ban Thi đua ái quốc làm việc tại bản Bắc, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, đến cuối năm 1948 thì chuyển sang Đồng Man, thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương. Trong thời gian này, bên cạnh chức vụ Trưởng Ban Thi đua ái quốc Trung ương, đồng chí Tôn Đức Thắng còn kiêm nhiệm các chức vụ như: Phó Ban Thường trực Quốc hội, Trưởng Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ. Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, gian khổ “đói ăn, mặc rách, bom đạn giặc Pháp tơi bời, cơ quan nay đóng nơi này, mai dời đến nơi khác”, làm sao mà thi đua ái quốc được nếu không có ngọn lửa yêu nước, tinh thần cách mạng nồng cháy của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào cả nước.

         Ngay từ khi được giao trọng trách về vận động thi đua ái quốc, đồng chí Tôn Đức Thắng rất quan tâm tới việc xây dựng và đào tạo một đội ngũ cán bộ làm công tác vận động thi đua từ xã lên huyện, tỉnh và khu trong cả nước. Vì vậy, đồng chí đã viết thư trao đổi với Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc cần đào tạo gấp một đội ngũ cán bộ là công tác vận động thi đua. Đồng ý với ý kiến này, tháng 11/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng gửi thư cho Bác Tôn: “Về phong trào thi đua ái quốc, tôi rất đồng ý với Cụ là cần phải có cán bộ được huấn luyện hẳn hoi”. Ngày 19/11/1948, Ban Vận động Thi đua ái quốc đã có công văn đệ trình lên Chính phủ đề nghị sửa đổi tổ chức thi đua ái quốc, kèm theo công văn là tài liệu về cải tiến tổ chức thi đua ái quốc, quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức, phân công nhiệm vụ, quyền hạn, cách làm việc của Ban, đặt ra các Tiểu ban: Thi đua, Kiểm tra, Chấm thi giúp cho Ban điều hành, định thể lệ thưởng, phạt công minh. Ngoài những hoạt động trên, Ban còn thành lập Tiểu ban tuyên truyền để cổ động thi đua, chú trọng việc ra báo tường, đặc san, sáng kiến trên mọi mặt công tác.

         Đối với việc khen thưởng, đồng chí Tôn Đức Thắng cho rằng: "Nên dè dặt hết sức trong sự phạt, thưởng, kỳ nào cũng thế. Nếu phần thưởng đến những nhóm hay người không thật đặc biệt xứng đáng thì làm cho nhân dân hiểu lầm là: “Thì gọi là cũng được rồi.” Làng và tỉnh tìm những phần thưởng trong khu vực mình. Các phần thưởng nên chỉ có tính cách tượng trưng mà tốn kém ít. Nên dùng những phần thưởng luân chuyển (ví dụ cờ hay biển), sau mỗi kỳ, người hay nhóm tích cực nhất trong mỗi ngành hay mỗi xã, mỗi tỉnh được giữ.” .

         Ngoài việc trao đổi qua thư từ, Bác Tôn còn trực tiếp đến gặp Bác Hồ để xây dựng kế hoạch cho việc phát động phong trào thi đua lâu dài hơn, cả hai thường cùng nhau đàm đạo, trao đổi ý kiến, bàn bạc phương hướng thúc đẩy phong trào thi đua ái quốc. Trong những năm tháng Bác Tôn lãnh đạo phong trào thi đua ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tin tưởng Bác Tôn, mỗi khi có vấn đề liên quan đến phong trào thi đua, Bác luôn hỏi rằng: “Việc này đã hỏi ý kiến cụ Thoại Sơn chưa?”.

         Trong những năm tháng ở chiến khu Việt Bắc, dẫu đã vào lục tuần, nhưng Bác Tôn vẫn với chiếc xe đạp cũ vượt núi, vượt sông Cầu, sông Thao, đến với công nhân, cán bộ ở các cơ sở, cơ quan kháng chiến; lặn lội tới các bản làng, đồng bào dân tộc để hướng dẫn, kiểm tra và động viên mọi người hăng hái thi đua lao động sản xuất, chiến đấu theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “người người thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua”.

         Từ ngày 21/01 đến ngày 03/02/1950, tại Hội nghị toàn quốc lần thứ ba của Đảng, với cương vị Trưởng Ban vận động thi đua ái quốc Trung ương, đồng chí Tôn Đức Thắng đã báo cáo về đẩy mạnh thi đua, nhằm đúng hướng chính, động viên nhân lực, vật lực, tài lực, chuyển mạnh sang tổng phản công. Trong báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Tôn Đức Thắng đã chỉ rõ “quan niệm thi đua chưa được rõ và thống nhất, do đó sinh ra những sai lầm về lãnh đạo và tổ chức”; “Thi đua không nhằm đúng hướng chính nên hao phí nhân lực vật lực, tài lực và thì giờ vào nhiều công việc chưa cần thiết…”. Đồng thời, đồng chí Tôn Đức Thắng cũng khẳng định: “Thi đua là một thuật động viên, một phương thức lãnh đạo để thực hiện những công việc hàng ngày với một mức độ cao hơn trong một thời gian ngắn hơn”, mong muốn tạo ra một nơi thi đua kiểu mẫu và rút kinh nghiệm phong trào thi đua ở đó cho những nơi khác được phổ biến và noi gương, Bác Tôn vạch rõ : “Hướng chính của thi đua ái quốc lúc này là động viên nhân lực, vật lực, tài lực để phục vụ tiền tuyến”. Những uốn nắn đó đã góp phần chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước tiến lên một bước mới; góp phần vào sự lớn mạnh của cuộc kháng chiến đang bước vào giai đoạn mới.

         Với phương pháp tư duy nhìn thẳng vào sự thật và nói rõ sự thật, ông đã phê phán nghiêm khắc những khuyết điểm về lãnh đạo và tổ chức đã làm cho phong trào thi đua ít hiệu quả. “Vì thi đua nhiều mà không nhằm hướng chính nên phong trào thi đua thành loãng và dần dần trở nên bình thường”.

         Đặc biệt, sau thắng lợi của Chiến dịch Biên giới năm 1950, ngày 19/12/1950, Bác Tôn với cương vị Quyền Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đã kêu gọi “ở tiền tuyến, ở hậu phương, ở trong và ngoài nước, già, trẻ, gái, trai, không kể tôn giáo gì, chính kiến gì, đều phải thi đua bằng mọi cách để giết giặc cứu nước, để giải phóng cho dân tộc và góp phần vào sự nghiệp xây dựng hòa bình chung của thế giới”.

         Với tinh thần thi đua yêu nước là kháng chiến chống giặc, thực hiện Nghị quyết Đại hội II, tháng 3/1951, Mặt trận Liên Việt ra đời trên cơ sở thống nhất Mặt trân Việt minh và Hội Liên Việt. Dưới sự chủ trì của Bác Tôn và các lãnh đạo khác, Đại hội đã thông qua chính cương, điều lệ Mặt trận Liên Việt theo phương châm đảm bảo sự đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân yêu nước để đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, can thiệp Mỹ và bọn tay sai.

         Tại Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu lần thứ nhất năm 1952, với tư cách đại diện Ban Thường trực Quốc hội và Ủy ban Liên Việt toàn quốc, Bác Tôn đã căn dặn các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu: “Có được danh dự lớn lao này, các đồng chí tuyệt đối không được tự kiêu, tự mãn, có được vinh dự lớn lao này, các đồng chí lại càng phải ra sức thi đua ái quốc, ra sức học tập đạo đức, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và gương thi đua của Hồ Chủ tịch, ra sức học tập huấn thị của Hồ Chủ tịch trong đại hội này. Các đồng chí càng phải ra sức học tập các bạn bè chung quanh, học tập nhân dân. Ở đây ra về, các đồng chí cần phải ra sức phổ biến những kinh nghiệm thi đua tổng kết được ở các hội nghị và ở đại hội này, để dìu dắt mọi người cùng thi đua, trở thành chiến sĩ thi đua như mình và hơn mình. Ra sức học tập, ra sức sản xuất và chiến đấu để phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, phục vụ hòa bình thế giới, đó là nhiệm vụ của các đồng chí”.

         Với tư cách người lãnh đạo, Bác Tôn đã làm nhân dân hiểu rõ vì sao phải tham gia tích cực phong trào thi đua yêu nước, với phong cách tuyên truyền giúp cho lòng yêu nước và lý tưởng cộng sản lồng vào nhau cùng với kinh nghiệm trong cuộc đời hoạt động của mình đã kích thích được tinh thần thi đua yêu nước của quân và dân ta, tạo ra sự gắn kết trong tập thể.

         Có thể nói, phong trào thi đua ái quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xuất, đã được Tôn Đức Thắng lãnh đạo, xây dựng tổ chức và phát huy được sức mạnh của toàn dân tham gia kháng chiến, kiến quốc, làm nền tảng không chỉ chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, mà còn là nền tảng cho công cuộc thi đua trong kháng chiến chống Mỹ và xây dựng đất nước trong thời đại mới.

        Tài liệu tham khảo:

         - Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002.

         - Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu”, NXB Văn học, 2013.

         - Tôn Đức Thắng -Tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007.

         - Chủ tịch Tôn Đức Thắng – Nhà lãnh đạo mẫu mực và bình dị, NXB Văn Hóa – Văn Nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2018.

         - Ban Chấp hành Tỉnh Đảng bộ An Giang: Bác Tôn (1888 – 1980) cuộc đời và sự nghiệp, NXB Sự thật, Hà Nội, 1988.

    Ghi rõ nguồn baotangtonducthang.vn khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.

    Giờ mở cửa

    Bảo tàng Tôn Đức Thắng tổ chức phục vụ hoạt động thăm viếng, dâng hoa, dâng hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng (số 5 đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) kể từ ngày 25 tháng 7 năm 2024 (Thứ Hai đến Thứ Sáu hàng tuần hoặc theo đăng ký của các tổ chức, cá nhân).
    Buổi sáng: Từ 07 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút, 
    Buổi chiều: Từ 13 giờ 30 phút đến 17 giờ.

     

    Địa chỉ

    Xem bản đồ chỉ đường
    Đăng ký tham quan