Bài cảm nhận về "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh"/

Bài cảm nhận về "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh"/

Ngày đăng: 03/01/2024
In Trang
Cỡ chữ

    Ngô Thị Hồng Quế 
    Di sản viên hạng II, Phòng Giáo dục - Truyền thông Bảo tàng Tôn Đức Thắng

     

    Văn kiện Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định phương hướng: “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một không gian văn hoá Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu, và trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố mang tên Bác”.
    Việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải thật sự xuất phát từ tấm lòng yêu kính của bản thân đối với Bác Hồ chứ không phải là xây dựng theo phong trào, hình thức một cách rập khuôn. Phải ý thức được việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh theo chiều sâu và thực tế như thế nào để tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác luôn hiện hữu, tác động đến nhận thức của từng cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động và nhân dân thành phố. Để từ đó, tư tưởng, đạo đức và tác phong làm việc của Người là kim chỉ nam soi sáng cho mỗi công dân phát triển bản thân, đạo đức cũng như kế thừa các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đối với từng đảng viên, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với việc rèn luyện phẩm chất đạo đức, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, đạo đức lối sống, chống tham nhũng lãng phí, cơ hội thực dụng, nói không đi đôi với làm.
    Không những thế, không gian văn hóa Hồ Chí Minh là nơi lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác. Từ đó, tạo thành một môi trường học tập, trải nghiệm thực tế, sinh động và hiệu quả, khuyến khích sự tự học, tự nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh một cách gần gũi, thực tế nhất.

     


    Triển lãm “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng.


    Mỗi cơ quan, đơn vị có cách thể hiện không gian văn hóa Hồ Chí Minh khác nhau, gắn liền với nội dung, thông điệp mà cơ quan, đơn vị muốn truyền tải đến với viên chức, người lao động. Hiện nay, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đang trong tiến trình xây dựng mới, nên địa điểm bố trí không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại nơi làm việc tạm thời là phòng họp - nơi trang trọng nhất để viên chức, người lao động đơn vị có thể tìm hiểu thêm và được truyền cảm hứng về cuộc đời và sự nghiệp của Bác. Tuy được bố trí trong phòng họp nhưng không gian văn hóa Hồ Chí Minh vẫn có những nội dung đầy đủ như biên niên về cuộc đời và sự nghiệp Bác được thiết kế qua việc quét mã QR để tiện trong việc tìm hiểu do không gian trưng bày nhỏ gọn; Quê hương gia đình thời niên thiếu của Bác; Hành trình tìm đường cứu nước; Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh - noi gương Chủ tịch Tôn Đức Thắng; tủ sách trưng bày những tác phẩm, bài viết, những mẫu chuyện kể về Bác Hồ, Bác Tôn. Đặc biệt, Bảo tàng Tôn Đức Thắng xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh có nội dung nói về Bác Tôn, người kế tục Bác Hồ làm Chủ tịch nước và là người bạn thân thiết của Bác Hồ tạo điều kiện để các viên chức, người lao động kết hợp học tập tư tưởng và đạo đức Bác Hồ và Bác Tôn vào mỗi khâu công tác do mình đảm nhận một cách hiệu quả. Cụ thể, không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng để viên chức, người lao động Bảo tàng Tôn Đức Thắng thấm nhuần tư tưởng đạo đức Bác Hồ, Bác Tôn qua những nội dung về thân thế và sự nghiệp của hai Bác để soi rọi lại mình. Từ đó học tập, rèn luyện về đạo đức để trở thành người viên chức có ích cho xã hội.
    Đối với bản thân tôi, việc đơn vị xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh giúp tôi cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc đời Bác, về lối sống vô cùng giản dị của Bác để học tập, đặc biệt là sự tự học của Bác đã giúp lan tỏa tinh thần tự học tập, tự nghiên cứu rèn luyện về công tác chuyên môn cho tôi. Tôi học ở Bác sự cầu tiến, luôn có tinh thần tự học rất cao. Xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, nhưng ý chí tự vươn lên của Bác đã làm cho người thanh niên ấy trở thành người tìm đường cứu nước và đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi ách nô lệ. Trong những tác phẩm Bác viết tôi ấn tượng nhất là những bài viết của Bác về sửa đổi lối làm việc. Mỗi bài viết của Bác đều rất dễ hiểu, thực tế và còn nguyên giá trị mặc dù nó đã được viết rất lâu, từ năm 1947 với bút danh XYZ. Từng câu, từng chữ trong tác phẩm là những lời văn rất tinh tế, nhẹ nhàng nhưng lại có ý nghĩa giáo dục rất cao. Những điều tôi học về Bác còn rất nhiều như học tập Bác trong việc tự phê bình và phê bình để ngày càng tiến bộ, học tập Bác về thực hành tiết kiệm, lối sống giản dị, khiêm tốn,... hay bản thân tôi còn chưa bố trí thời gian cho công tác nghiên cứu, nên tôi cần học cách sắp xếp thời gian khoa học và hợp lý của Bác để tự rèn luyện khả năng nghiên cứu, cố gắng mỗi ngày dành thời gian đọc thêm sách và trao dồi khả năng viết để đáp ứng được yêu cầu của việc nghiên cứu trong công tác chuyên môn của mình.
    Là một đảng viên tôi càng phải ý thức cao hơn trong việc tu dưỡng đạo đức, rèn luyện lối sống và học tập theo Bác để tận tụy và thực hiện hết trách nhiệm của mình đối với công việc. Việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại đơn vị giúp tôi cảm nhận sâu sắc và gần gũi hơn về Bác, càng khâm phục ý chí của Bác và cũng như cùng các đồng nghiệp cố gắng tu dưỡng, rèn luyện bản thân và tích lũy các giá trị đạo đức của hai Bác trở thành tài sản tinh thần luôn hiện hữu trong công việc và cuộc sống của mình. Những bài học sâu sắc từ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của hai Bác chính là “gương phản chiếu” để tôi tự soi rọi lại chính mình và phấn đấu để những điều tốt đẹp ấy luôn thường trực trong suy nghĩ và hành động của bản thân như nhà thơ Tố Hữu đã viết:


    “Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta
    Ta bỗng lớn bên Người một chút ”./.

     

    Ghi rõ nguồn baotangtonducthang.vn khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.

    Bài viết khác

    Giờ mở cửa

    Bảo tàng Tôn Đức Thắng tổ chức phục vụ hoạt động thăm viếng, dâng hoa, dâng hương, tham quan hệ thống trưng bày giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng (số 5 đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) từ ngày 03 tháng 01 năm 2025 (Các ngày trong tuần trừ Thứ Hai).
    Buổi sáng: Từ 07 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút, 
    Buổi chiều: Từ 13 giờ đến 17 giờ.

     

    Địa chỉ

    Xem bản đồ chỉ đường
    Đăng ký tham quan