Cảm nhận về “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng

Cảm nhận về “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng

Ngày đăng: 03/01/2024
In Trang
Cỡ chữ

    Nguyễn Thị Tuyết Nhung 
    Di sản viên hạng III, Phòng Giáo dục - Truyền thông Bảo tàng Tôn Đức Thắng


    Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một quyết sách độc đáo của Thành phố Hồ Chí Minh vừa đáp ứng nhu cầu thể hiện tình cảm son sắt của Nhân dân đối với Người vừa là sự lan toả mạnh mẽ về tư tưởng, văn hoá và đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến mọi tầng lớp Nhân dân… Trong không gian văn hóa này, những giá trị văn hóa đặc sắc về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được công dân thành phố học tập, tiếp thu và có xu hướng trở thành một nếp sống, một đặc trưng văn hóa nơi đây.
    Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng là nơi tổng hòa nhiều yếu tố từ vật chất đến tinh thần, đặc biệt là việc xây dựng lối sống đạo đức, cách ứng xử đầy nghĩa tình, hướng đến mục tiêu xây dựng, giáo dục thế hệ trẻ trở thành con người có đầy đủ phẩm chất tốt đẹp, biết yêu thương, sáng tạo, năng động trong công việc và cuộc sống. Tất cả được thể hiện qua những nội dung chính như: Quê hương, gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh; Hành trình tìm đường cứu nước; Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; Viên chức, người lao động Bảo tàng Tôn Đức Thắng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng; tủ sách Bác Hồ.




    Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng


    Như chúng ta đã biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa kiệt xuất của thế giới, trong kho tàng lý luận toàn diện và sâu sắc của mình, Người luôn đánh giá cao vai trò của văn hóa trong sự nghiệp phát triển đất nước, đặc biệt là công tác bảo tồn di sản văn hóa. Trong 5 lần đến thăm và làm việc với Bảo tàng Cách mạng Việt Nam trước đây (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia), Người đã để lại những lời dạy tuy giản dị nhưng vô cùng sâu sắc. Trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng, tôi lại được đắm mình trong khoảnh khắc ấy một lần nữa – hình ảnh lần đầu tiên Bác tới thăm Bảo tàng Lịch sử quốc gia vào ngày 5/1/1959 (một ngày trước khi Bảo tàng được khánh thành).
    Bác nói: “Nói tóm lại người đến xem Viện bảo tàng cần vừa xem vừa suy nghĩ và liên hệ với bản thân mình. Các đồng chí phụ trách giới thiệu thì cần nói rõ ý nghĩa cách mạng của những vật chưng bày. Làm như thế sẽ rất bổ ích”
    (Trích bài viết của Bác với bút danh T.L được đăng trên báo Nhân dân ra ngày 04/07/1959)
    Bản thân tôi đặc biệt ấn tượng và ghi nhớ sâu sắc lời dạy này của Bác: Bác không chỉ nói đến trách nhiệm của người làm công tác tại bảo tàng và cả người đến xem Viện bảo tàng mà còn nhắc nhở, nhắn gửi đến các thế hệ mai sau phải trân trọng, giữ gìn và phát huy những giá trị di sản văn hóa của dân tộc, phải yêu nước và tôn trọng bản sắc văn hóa của đất nước. Tôi cảm thấy thật là vinh dự và tự hào biết bao với vai trò là một viên chức công tác trong ngành văn hóa, và một điều đặc biệt hơn nữa là tôi được làm việc tại bảo tàng Tôn Đức Thắng - bảo tàng về vị lãnh tụ, danh nhân văn hóa, người bạn chiến đấu hết sức thân thiết và gần gũi với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Bác Hồ - Bác Tôn là một hình ảnh tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết Bắc Nam, một biểu tượng thiêng liêng, cao quý của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Cũng trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh của Bảo tàng Tôn Đức Thắng, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng được trình bày cẩn thận và chi tiết theo dòng thời gian nhằm thể hiện đầy đủ những hoạt động thiết thực của viên chức, người lao động Bảo tàng Tôn Đức Thắng trong suốt quá trình hình thành và phát triển của đơn vị. Có thể nói, đây chính là điểm sáng tạo, điểm nhấn trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh; đồng thời là mục tiêu quan trọng mà tập thể bảo tàng Tôn Đức Thắng lấy đó làm kim chỉ nam trong công tác, học tập và làm việc. Song song đó, Công đoàn bảo tàng Tôn Đức Thắng còn tổ chức cuộc thi "Viết cảm nhận về không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Đây là một hoạt động ý nghĩa và thể hiện đặc sắc những giá trị di sản văn hóa của không gian văn hóa Hồ Chí Minh qua từng bài viết của người tham gia.
    Đối với tôi, không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng bằng những chất liệu quý giá, phong phú từ cuộc đời đến sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện được sự chân thực về cuộc đời vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh đến hoạt động của Bác Hồ với bảo tàng - trách nhiệm của khách tham quan bảo tàng cũng như cán bộ bảo tàng, đặc biệt là việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của hai vị lãnh tụ dân tộc Bác Hồ - Bác Tôn. Thiết nghĩ, từng câu chữ, lời dạy của Bác rất đơn sơ, giản dị, nhưng vô cùng ý nghĩa và có tác dụng giáo dục cực kỳ sâu sắc đối với ngành văn hóa, ngành bảo tàng và các cán bộ đã, đang và sẽ công tác. Qua đó, mỗi viên chức, người lao động của bảo tàng, như Bảo tàng Tôn Đức Thắng cần lấy đó làm kim chỉ nam rồi tự rút lại bài học riêng cho mình về cuộc sống, đặc biệt là trong nghề nghiệp. Có như thế, bảo tàng mới thực sự là cầu nối cho việc giới thiệu và quảng bá những giá trị di sản văn hoá của Việt Nam, đồng thời là nơi nhân dân ta được tiếp cận với các nền văn hóa trên thế giới thông qua bảo tàng./.

     

    Ghi rõ nguồn baotangtonducthang.vn khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.

    Giờ mở cửa

         Hiện nay, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đang trong giai đoạn thực hiện dự án xây dựng mới nên chưa phục vụ khách tham quan. Bảo tàng phục vụ công chúng dâng hương và tham quan tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (số 01 đường Nguyễn Tất Thành, Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh) vào các ngày trong tuần (trừ thứ Hai)

    Sáng: 7 giờ 30 đến 11 giờ 30.

    Chiều: 13 giờ 30 đến 17 giờ.

     

    Địa chỉ

    Xem bản đồ chỉ đường
    Đăng ký tham quan