Bảo tàng Tôn Đức Thắng với các hoạt động tháng 5

Bảo tàng Tôn Đức Thắng với các hoạt động tháng 5

Ngày đăng: 03/01/2024
In Trang
Cỡ chữ

         Thiết thực chào mừng ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5), Tháng công nhân, Bảo tàng Tôn Đức Thắng tổ chức chuỗi hoạt động như sau:
         - Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5/2020, với chủ đề “Bảo tàng vì sự bình đẳng: đa dạng và hòa nhập”, chủ đề năm nay nhằm tôn vinh sự đa dạng của bảo tàng, vai trò của bảo tàng hiện nay là tạo ra sự trải nghiệm có giá trị cho các nhóm khách tham quan, tạo sự kết nối chung cho tương lai và truyền thống. Bảo tàng Tôn Đức Thắng giới thiệu đến quý khách sưu tập hiện vật Chủ tịch Tôn Đức Thắng tặng bạn bè, người thân, thể hiện giá trị đạo đức thông qua những câu chuyện kể về hiện vật sẽ giúp quý khách hiểu được tình cảm yêu thương, sự quan tâm, gần gũi của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đối với bạn bè, người thân.

          + Cây baton- Bác Tôn tặng ông Nguyễn Văn Đức, năm 1977.

            Ông Nguyễn Văn Đức (1906- 1987) còn gọi là Mười Đức, quê ở làng Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, là người mà Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã từng cưu mang. Bác Tôn thấy ông là người cùng quê, gia đình nghèo khó, tuổi còn trẻ nhưng ham học hỏi và có chí tiến thân nên đã giúp đỡ cho tá túc tại nhà khi ông học ở Sài Gòn từ năm 1923-1927.

             Khi Bác Tôn bị giam tại khám lớn Sài Gòn (1929), ông Đức là một trong những người đóng góp kinh phí thuê luật sư bào chữa với mong muốn có thể Bác Tôn được giảm án tù. Trong thời gian Bác Tôn bị đày ở Côn Đảo (1930-1945), bác Tôn gái phải làm nhiều nghề để nuôi con: làm thợ may hay buôn bán ở Sài Gòn, khi lại buôn bán ở Vĩnh Kim (Tiền Giang) và có thời gian phải làm mướn ở Phnôm Pênh (Campuchia). Ông Đức đã giúp đỡ về mặt tài chính để bác Tôn gái về lại quê nhà (Vĩnh Kim) sinh sống và nuôi con.

              Năm 1946, Bác Tôn và hai con (Tôn Thị Hạnh, Tôn Thị Nghiêm) ra miền Bắc. Theo lời khuyên của Bác Tôn, ông Đức không thoát ly vào chiến khu mà ở lại hoạt động nội thành tại Sài Gòn. Năm 1954, ông tiếp tục giúp đỡ đưa bác Tôn gái ra miền Bắc đoàn tụ với gia đình.

              Tháng 5/1975, trong lần đầu tiên về thăm Miền Nam sau ngày giải phóng, các con của Bác Tôn đã đến thăm nhà ông Đức với lời dặn của bác Tôn gái “Sau ngày đất nước thống nhất, phải đến thăm chú Mười, thím Mười”( tức vợ chồng ông Đức). Mỗi khi có dịp vào Sài Gòn, Bác Tôn đều cho đón ông bà Đức đến chơi, hàn huyên, ôn lại chuyện cũ. Lúc ông Đức gặp khó khăn về kinh tế, Bác lấy tiền tiết kiệm tặng.

               Năm 1975, sau khi nghe các con kể, mắt của ông Đức bị mờ không nhìn thấy được, Chủ tịch Tôn Đức Thắng nhờ các bác sĩ khoa mắt Hà Nội, bệnh viện Chợ Rẫy đặc biệt chăm lo cho ông Đức. Nhưng vì bệnh mắt của ông Đức quá nặng nên không chữa được. Năm 1977, Bác Tôn tặng ông Đức chiếc ba ton bằng gỗ trắc để ông dò đường đi.

              Là một trí thức thành đạt, bản thân và gia đình có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước, ông Nguyễn Văn Đức vẫn luôn tâm niệm rằng ông có được thành quả đó là nhờ công của anh Hai Thắng chăm sóc, dìu dắt.

          + Tấm vải hoa- Bác Tôn tặng gia đình ông Nông Đình Thạch, năm 1960.

             Năm 1948, Bác Tôn được bầu làm Trưởng ban Vận động Thi đua Ái quốc Trung ương. Trên cương vị công tác của mình, Bác Tôn góp phần quan trọng trong việc đưa chủ trương của Đảng về thi đua yêu nước trở thành động lực của cuộc kháng chiến kiến quốc. Trong khoảng thời gian từ năm 1948-1950, Bác Tôn đến ở và làm việc tại nhà ông Nông Đình Lăng, ở xóm Bản Bắc, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Cùng thời gian đó, bà Tôn Thị Nghiêm (con gái thứ hai của Bác Tôn) ở tại nhà ông Nông Đình Thạch (người cùng xóm với ông Nông Đình Lăng) và được gia đình ông Thạch giúp đỡ, cưu mang, đặc biệt là lúc bà Tôn Thị Nghiêm sinh con gái đầu lòng (Tưởng Bích Vân). Luôn biết ơn và cảm kích tấm lòng của ông Thạch và gia đình, Bác Tôn tặng tấm vải hoa trong dịp ông Thạch ra Hà Nội thăm Bác Tôn năm 1960.

          + Mảnh chăn- Bác Tôn tặng ông Thạch Văn Khỳ khi ông lập gia đình, năm 1950.

             Năm 1949, Bác Tôn cùng cơ quan Văn phòng Quốc hội và cơ quan Mặt trận Việt Minh-Liên Việt chuyển đến ở và làm việc tại Thôn Yên Thượng, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Ông Thạch Văn Khỳ làm cần vụ cho Bác Tôn từ năm 1949-1954. Năm 1950, ông Thạch Văn Khỳ cưới vợ. Trong điều kiện kháng chiến thiếu thốn về vật chất, ông Thạch Văn Khỳ cưới vợ nhưng không có chăn để đắp, cảm thương cho hoàn cảnh của người cần vụ, Bác Tôn đã cắt đôi tấm chăn của mình tặng vợ chồng ông Thạch Văn Khỳ làm quà cưới. Ông Thạch Văn Khỳ kể: “Cuối năm 1950, tôi cưới vợ. Bác Tôn rất mừng nhưng rất băn khoăn: biết lấy gì mừng đám cưới chú giữa rừng núi thiếu thốn này. Thế này nhé, nước bạn có tặng tôi một cái chăn hồi tôi sang bên đó, chăn còn mới, tôi cắt ra tặng chú một nửa, thế là chúng mình cùng đắp”.

             Năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, Bác Tôn cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ về lại thủ đô Hà Nội. Ông Thạch Văn Khỳ không đi theo Bác Tôn về Hà Nội mà ở lại quê nhà (thôn Làng Cả, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang). Những ngày sống gần Bác Tôn là những ngày đẹp nhất gắn với tuổi trẻ của ông Khỳ. Tấm chăn mà Bác Tôn tặng đã giúp cho vợ chồng ông Khỳ vượt qua những mùa đông giá rét tại Việt Bắc. Hiện nay, 8 người con của ông Thạch Văn Khỳ đều đã khôn lớn, trưởng thành. Món quà cưới Bác Tôn tặng vợ chồng ông ngày nào sẽ còn được gia đình ông nhớ mãi.

          + Chiếc cối xay tiêu-Bác Tôn tặng vợ, năm 1956

              Ngày 09/12/1955, Ủy ban Giải thưởng Hòa bình Quốc tế Stalin (về sau được đổi thành Giải thưởng Hòa Bình Quốc tế Lênin) ra quyết định tặng Giải thưởng Hòa bình Quốc tế Stalin cho đồng chí Tôn Đức Thắng- Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam.

             Ngày 21/01/1956 tại điện Kremli(Matxcơva, Liên Xô) đã diễn ra lễ trao tặng Giải thưởng Hòa bình Quốc tế Stalin năm 1955 cho 06 chiến sĩ trong phong trào hòa bình thế giới, trong đó có Bác Tôn. Trong thời gian này, nước bạn có trao cho Bác 10.000 rúp để mua quà về cho gia đình. Ngày cuối sắp về nước, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp- một thành viên trong đoàn, nhắc Bác về việc mua quà về cho gia đình. Bác sĩ Nghiệp kể: “Khi tôi nhắc Bác về việc mua quà về tặng gia đình, Bác phân vân 1 chút rồi nói “Tôi thích nhất là món cá kho tộ, bỏ nhiều tiêu. Bả đem tiêu hột đâm trong chén, văng tùm lum ra ngoài. Mắt bả kém, cứ mò lượm từng hột bỏ vô chén. Anh tìm mua cho tôi 1 cái cối xay tiêu về tặng,chắc là bả mừng lắm”. Chiếc cối xay tiêu giá chỉ có 7 rúp đã được mua tại cửa hàng bách hóa tổng hợp Matxcơva là món quà nhỏ nhưng chứa đựng tình cảm thương yêu sâu sắc của Bác Tôn đối với vợ. Số tiền còn lại là 9.993 rúp Bác Tôn gửi trả lại nước bạn Liên Xô. Sau khi bác Tôn gái qua đời (ngày 25/5/1974), chiếc cối xay tiêu vẫn được các con của Bác Tôn dùng để thay mẹ chăm sóc cha.

         - Nhân Tháng công nhân, Bảo tàng Tôn Đức Thắng phối hợp cùng Trung tâm hỗ trợ Thanh niên Công nhân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tặng tủ sách Thanh niên, Công nhân tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Mountech. Thông qua các ấn phẩm viết về Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Tôn Đức Thắng mong muốn mang "văn hóa đọc" phổ biến sâu rộng đến với đội ngũ công nhân Thành phố Hồ Chí Minh với mục đích nhằm tạo một sân chơi lành mạnh, bổ sung các kiến thức sau thời gian làm việc.

    Tủ sách “Thanh niên Công nhân” do Bảo tàng Tôn Đức Thắng phối hợp cùng Trung tâm hỗ trợ Thanh niên Công nhân Thành phố Hồ Chí Minh tặng tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Mountech

         - Để đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, Bảo tàng tổ chức chương trình phát thanh giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Mountech. Qua hệ thống loa phát của công ty, đội ngũ công nhân vừa làm việc, vừa nghe thuyết minh về những đóng góp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng trong công cuộc kháng chiến kiến quốc của dân tộc. Đây là một hình thức tuyên truyền mới của Bảo tàng Tôn Đức Thắng và sẽ được áp dụng phổ biến tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

    Công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Mountech vừa làm việc vừa nghe thuyết minh cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng thông qua hệ thống phát thanh

         - Với mong muốn mang bảo tàng đến với các tầng lớp nhân dân, triển lãm chuyên đề “Bác Hồ - Bác Tôn” do Bảo tàng Tôn Đức Thắng và Nhà Thiếu nhi quận Bình Thạnh phối hợp thực hiện được tổ chức ngày từ ngày 12 đến ngày 20 tháng 5 năm 2020. Triển lãm đã mang đến cho khách tham quan một cách tổng quát về tình bạn cao cả, tình đồng chí gắn bó giữa Bác Hồ - Bác Tôn, tuy hai con người nhưng có chung một chí hướng. Đây cũng là hoạt động thiết thực của hai đơn vị nhằm chào mừng kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020).

    Viên chức Bảo tàng Tôn Đức Thắng đang thực hiện triển lãm “Bác Hồ- Bác Tôn” tại Nhà Thiếu nhi quận Bình Thạnh

    Viên chức Bảo tàng Tôn Đức Thắng thực hiện triển lãm “Bác Hồ- Bác Tôn” tại Nhà Thiếu nhi quận Bình Thạnh

    Ghi rõ nguồn baotangtonducthang.vn khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.

    Bài viết khác

    Giờ mở cửa

    Bảo tàng Tôn Đức Thắng tổ chức phục vụ hoạt động thăm viếng, dâng hoa, dâng hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng (số 5 đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) kể từ ngày 25 tháng 7 năm 2024 (Thứ Hai đến Thứ Sáu hàng tuần hoặc theo đăng ký của các tổ chức, cá nhân).
    Buổi sáng: Từ 07 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút, 
    Buổi chiều: Từ 13 giờ 30 phút đến 17 giờ.

     

    Địa chỉ

    Xem bản đồ chỉ đường
    Đăng ký tham quan