Ngày 23 tháng 11 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện”. Đây là Sắc lệnh đầu tiên của nhà nước ta về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Sắc lệnh số 65/SL tuy ngắn gọn, súc tích, nhưng phản ánh những tư tưởng, quan điểm rất cơ bản, sâu sắc của Nhà nước ta đối với việc bảo tồn di sản văn hóa, cho đến nay vẫn giữ nguyên ý nghĩa lý luận và thực tiễn, soi sáng cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặc biệt có ý thức coi trọng, giữ gìn, bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống đó là tinh hoa, là vốn quý và chính là cái làm nên hồn cốt của các quốc gia, dân tộc.
Xuất phát từ ý nghĩa đó và trước yêu cầu tình hình, nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ mới; ngày 24 tháng 02 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc hàng năm lấy ngày 23 tháng 11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”. Quyết định của Thủ tuớng Chính phủ xác định 5 yêu cầu của Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam là: Giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân; Tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Động viên phong trào thi đua lao động sản xuất, nâng cao kỷ luật, đạo đức cách mạng cho cán bộ, công chức, viên chức trong ngành văn hóa nói chung và trong lĩnh vực di sản văn hóa nói riêng; Biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với tổ chức cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo pháp luật về thi đua khen thưởng.
Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2005 tới nay, Ngày Di sản văn hoá Việt Nam 23/11 đã thực sự trở thành ngày hội lớn của những người làm công tác giữ gìn và phát huy di sản văn hóa, thắp sáng ngọn lửa văn hoá dân tộc trong trái tim của người dân Việt Nam.
Hưởng ứng kỷ niệm lần thứ 18 Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã tích cực tham gia các hoạt động như viết bài tham gia hội thi “Phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh” do Hội Di sản Thành phố tổ chức; tham gia hội thảo, tọa đàm của Bảo tàng Dân tộc học và Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Viên chức Bảo tàng Tôn Đức Thắng tham gia thi thuyết trình hội thi
“Phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh”
Tổ chức chung kết Hội thi “Em yêu sử Việt” và giới thiệu một số di tích, địa điểm lưu niệm tiêu biểu về Bác Tôn bằng ứng dụng công nghệ tương tác cho học sinh khối Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn huyện Hóc Môn nhằm tuyên truyền và phát huy giá trị di sản về Chủ tịch Tôn Đức Thắng đến với học sinh, giáo viên. Ngoài ra, đơn vị còn xây dựng thước phim giới thiệu di tích, địa điểm lưu niệm về Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Thành phố Hồ Chí Minh để tuyên truyền nhân kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam.
Tổ chức chung kết Hội thi “Em yêu sử Việt” và trải nghiệm ứng dụng công nghệ tương tác
cho các em học sinh khối Trung học cơ sở tại huyện Hóc Môn.
Tổ chức chung kết Hội thi “Em yêu sử Việt”
cho các em học sinh khối Tiếu học tại huyện Hóc Môn.
Hình nền clip giới thiệu di tích, địa điểm lưu niệm về Chủ tịch Tôn Đức Thắng
tại Thành phố Hồ Chí Minh