TS. Lê Thị Minh Lý
Phó cục trưởng Cục Di sản Văn hóa – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Hiện nay, ở nước ta có trên một trăm bảo tàng lớn và nhỏ. Có rất nhiều bảo tàng đã có thâm niên hoạt động vài ba chục năm và góp phần tích cực vào đời sống văn hóa của quốc gia. Bảo tàng Tôn Đức Thắng là một trong những bảo tàng đã trở thành địa chỉ văn hóa quen thuộc của công chúng thành phố Hồ Chí Minh và cả nước. Với chủ đề của hội thảo này, tôi xin tham gia ý kiến về mối quan hệ giữa bảo tàng và công chúng nhằm tìm biện pháp để nâng cao chất lượng bảo tàng đáp ứng nhu cầu của công chúng.
Lịch sử bảo tàng đã chứng minh hoạt động bảo tàng là hoạt động văn hóa không thể thiếu được trong đời sống của con người. Các bảo tàng là một sự phản ánh sự phát triển xã hội ở mức độ cao. Bảo tàng hiện nay phải thực hiện một số chức năng cụ thể: một thiết chế thông tin, một cơ quan nghiên cứu khoa học và tác nghiệp, một thiết chế văn hóa giải trí, một tổ chức được xã hội chấp nhận.
Bảo tàng là mảnh đất của tinh hoa văn hóa và vì con người. Là trung tâm thông tin, bảo tàng mở rộng cánh cửa cho tất cả mọi người đi tới tri thức mới. Bảo tàng là quảng trường rộng lớn mà những suy nghĩ, mối quan tâm của con người được gặp gỡ, sẻ chia và khuyến khích. Mọi định nghĩa bảo tàng đều đưa ra một thông điệp quan trọng đó là bảo tàng hoạt động vì công chúng và vì sự nghiệp phát triển xã hội. Có thể dễ dàng nhận thấy, mọi hoạt động của bảo tàng là nhằm phục vụ cho lợi ích của chính con người, đồng thời thỏa mãn nhu cầu chung của xã hội. Chức năng phục vụ xã hội của bảo tàng cũng không nằmngoài phạm trù đó. Bảo tàng có vai trò trong sự phát triển của xã hội, vừa là vai trò mục tiêu vừa là vai trò động lực bởi mục đích giáo dục trong bảo tàng là mục đích giáo dục khoa học, giáo dục đạo đức và giáo dục thẩm mỹ. Mặt khác, phải có sự nhận thức đúng về sự phát triển của bảo tàng, luôn luôn được phát triển cùng với sự phát triển của xã hội. Bảo tàng tạo điều kiện cho con người khám phá các sưu tập để mang đến cảm xúc, để học tập và để thưởng thức. Chính điều này giải thích tại sao cần thiết phải lập ra các bảo tàng.
“Bảo tàng là một thiết chế phi lợi nhuận, hoạt động thường xuyên mở cửa cho công chúng đến xem, phục vụ cho xã hội và sự phát triển của xã hội. Bảo tàng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, thông tin và trưng bày các bằng chứng vật thể và phi vật thể về con người và môi trường sống của con người vì mục đích nghiên cứu, giáo dục và thưởng thức.” (ICOM 2004). Với định nghĩa này mục tiêu chức năng của bảo tàng được xác định là: vì quyền lợi của công chúng. Bảo tàng hoạt động vì quyền lợi giải trí, thưởng thức thẩm mỹ của công chúng và công chúng là đối tượng được thụ hưởng kết quả nghiên cứu, giáo dục của bảo tàng.
Ngày nay, chức năng của bảo tàng đã được mở rộng hơn, không chỉ đóng khung hay bị giới hạn trong công tác nghiên cứu và giáo dục khoa học mà có khuynh hướng phát triển phù hợp với các nhu cầu của xã hội để phục vụ con người ngày càng cụ thể hơn và đắc lực hơn. Bảo tàng phải tìm hiểu nhu cầu giải trí và thưởng thức của công chúng để đưa vào bảo tàng những sản phẩm văn hóa thích ứng để phục vụ nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của công chúng.
Vậy làm thế nào để công chúng đến bảo tàng, thích bảo tàng, tham gia và ủng hộ các hoạt động bảo tàng? Làm thế nàođể thiết lập và duy trì mối quan hệ lâu dài và bền vững giữa bảo tàng và công chúng? Đây là câu hỏi có tính thách thức luôn đặt ra với các bảo tàng. Để trả lời, các bảo tàng sẽ phải tự hỏi các câu hỏi sau:
1. Bảo tàng chúng ta có kế hoạch rõ ràng, phù hợp với tính chất của mình và với yêu cầu của công chúng mà mình có nhiệm vụ phục vụ cho lợi ích của cộng đồng đó hay không?
2. Chúng ta trưng bày gì? Những chủ đề trưng bày thường xuyên có gì liên quan đến cuộc sống hiện tại của công chúng? Những trưng bày đó đưa ra những thông điệp gì? Ai là người đến bảo tàng? Tại sao? Ai không đến? tại sao? Bảo tàng chúng ta có kế hoạch trưng bày tạm thời hoặc chuyên đề không? Kế hoạch đó được thực hiện như thế nào? Trưng bày chuyên đề hoặc triển lãm bảo tàng có bố trí thành các phần khác nhau theo đối tượng công chúng không?
3. Các bài giới thiệu (text), chú thích, tiêu đề có thực sự thiết thực? nó được viết cho ai? Người viết đang nói với công chúng hay nói với bản thân họ? Nó có đáp ứng được câu hỏi của công chúng không? Nó có giúp công chúng chú ý đến các hiện vật đang trưng bày không?
4. Điều gì để công chúng nhận biết đó là bảo tàng? vào bảo tàng có thuận lợi, có thể hiện sự chào đón khách không? Có thông báo gì không? Bảo tàng có thu tiền không? Phí tham quan được thông báo và thu như thế nào?
5. Bảo tàng có các phương tiện hỗ trợ, thông tin hướng dẫn để giúp đỡ công chúng khi tham quan trong bảo tàng hay không? Khách tham quan sẽ làm gì khi mang theo túi, ô và áo khoác...? Nhà vệ sinh, y tế, đường cho xe lăn, cho xe nôi ở đâu? Người đi thăm bảo tàng có thể ngồi đâu đó ở khu vực đón tiếp để chờ bạn bè hoặc người nhà không?
6. Shop, café của bảo tàng ở đâu? Có các sơ đồ hướng dẫn hoặc biển chỉ dẫn không? Có bảng thông tin giới thiệu bảo tàng để giúp bạn biết bảo tàng có cái gì và làm thế nào để đến đó không?
7. Không khí làm việc ở bảo tàng như thế nào? Các cán bộ có thể hiện thái độ tích cực của họ đối với bảo tàng và các dịch vụ hay không? Các cán bộ bảo tàng có hướng dẫn mọi người một cách nhiệt tình và tự nguyện không?
8. Bảo tàng có chương trình giáo dục không? Chương trình có được thông báo rõ ràng cho công chúng ở cửa ra vào không? Bộ phận giáo dục đóng vai trò gì trong bảo tàng? Bảo tàng có ý thức để mở rộng chương trình giáo dục của mình với mục tiêu giáo dục quốc gia không? Hình thức nào đáp ứng điều đó? Bảo tàng có chương trình giáo dục cho mọi lứa tuổi không? Bảo tàng có câu lạc bộ hoặc các hoạt động cho học sinh ngoài giờ học ở trường không? Có chương trình giáo dục cho người trưởng thành không? Hình thức như thế nào? Bảo tàng có làm việc với người lớn tuổi, cộng đồng cư dân địa phương không? Bảo tàng làm thế nào để gắn kết với giáo viên? Bảo tàng có đáp ứng nhu cầu đào tạo của giáo viên không? Bảo tàng có gắn kết với hệ thống trị thức giáo dục ở địa phương và chương trình đào tạo của giáo viên ở địa phương không?
Bảo tàng Tôn Đức Thắng là một trong những bảo tàng và di tích lưu niệm danh nhân có tiếng ở nước ta. Thành lập năm 1988, bảo tàng đã có quá trình liên tục hoàn thiện và phát triển trong hai mươi năm. Bảo tàng phải vượt qua nhiều khó khăn và thử thách để trở thành một thiết chế văn hóa có tên tuổi trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Trước những cơ hội và thách thức của các bảo tàng ở thế kỷ XXI, việc tổ chức hội thảo này là cần thiết và dịp tốt để bảo tàng tự đánh giá và xác định phươnghướng hoạt động trong tương lai. Bàn về chủ đề này tôi có một số khuyến nghị sau:
1. Là bảo tàng lưu niệm danh nhân, Bảo tàng Tôn Đức Thắng cần nghiên cứu sâu và giới thiệu các giá trị và chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam mà Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một trong những tấm gương phản ánh các giá trị đó. Sống có lý tưởng, dũng cảm, có lòng nhân ái, tình thương, bao dung; lao động cần cù, tiết kiệm đó là giá trị nhân cách đạo đức của Người. Do vậy, bảo tàng phải xác định bản sắc đặc thù của mình là giáo dục nhân cách và theo hướng đó mà triển khai các hoạt động sưu tầm, trưng bày, giới thiệu phù hợp. Mỗi giá trị chuẩn mực đạo đức có thể thành một trưng bày chuyên đề, một cuộc thuyết trình, tọa đàm lý thú và hữu ích – điều quan trọng là phương pháp giới thiệu, giáo dục phải thật sự bình dị đơn giản, tinh tế mà có lý lẽ để công chúng tự trải nghiệm và cảm nhận. Chúng ta đang ở thế kỷ XXI, công chúng bây giờ nhất là những người trẻ tuổi họ có tri thức và rất thực tiễn trong cách nhìn nhận đánh giá. Vì vậy khi nói về lãnh tụ, chúng ta cần có cách nhìn khách quan và phương pháp chuyển tải các câu chuyện, thông điệp một cách có lý, có sự so sánh, gắn kết với cuộc sống đương đại một cách nhuần nhuyễn, logic và có tính thuyết phục. Tôi nghĩ rằng, bên cạnh các câu chuyện của Bác Tôn, Bảo tàng cần mở rộng và gắn kết với các câu chuyện hiện tại của những người công nhân, nông dân, thủy thủ và những người lãnh đạo khác. Trong trường hợp này thì các video, phim và chuyện bằng lời (telling stories) là những tư liệu hỗ trợ tích cực.
2. Xu thế của các bảo tàng ở thế kỷ XXI là tăng cường năng lực hoạt động bằng cách gắn kết với các thiết chế văn hóa, không chỉ không cùng một lĩnh vực mà cả các lĩnh vực khác. Xu hướng này sẽ phát triển do nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của đa số các tầng lớp dân cư trong xã hội, đồng thời với sự kích thích của chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa mang lại. Mặt khác, những nguồn lợi kinh tế từ hoạt động kết hợp giữa bảo tàng với các hoạt động văn hóa khác sẽ là một động lực không kém phần mạnh mẽ khiến các bảo tàng, các nhà quản lý bảo tàng sẽ phải đầu tư công sức và trí tuệ để tìm kiếm các phương thức hoạt động nhiều lợi thế nhất. Xu thế này sẽ xóa dần đi quan niệm bảo tàng là cũ kỹ, là hoài cổ, tạo ra vị thế mới cho hoạt động bảo tàng và sự hòa nhập các bảo tàng với các hoạt động văn hóa khác. Hoạt động bảo tàng sẽ thu hút được đông đảo giới trẻ bởi tính hấp dẫn, đa dạng và khả năng thích ứng trong điều kiện mới của xã hội công nghiệp và xu thế toàn cầu hóa. Do vậy, bảo tàng Tôn Đức Thắng có thể mở rộng hoạt động của bảo tàng sẽ theo hướng gắn kết với các thiết chế văn hóa tương ứng để thực hiện một cách hài hòa nhiệm vụ giáo dục với nhiệm vụ phục vụ nhu cầu giải trí và thưởng thức của công chúng. Ngoài các bảo tàng ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số bảo tàng khác trong hệ thống bảo tàng Việt Nam, Bảo tàng Tôn Đức Thắng còn có thể gắn kết với các Trung tâm Văn hóa, trường học của địa phương thậm chí với các công ty lữ hành du lịch.
3. Trở lại vấn đề công chúng và các câu hỏi đặt ra ở phần trên, Bảo tàng Tôn Đức Thắng cần phải có công trình nghiên cứu để xác định công chúng mục tiêu và công chúng tiềm năng của bảo tàng mình định hướng, lập kế hoạch cụ thể để hoạt động và phát triển. Sau 20 năm hoạt động, đã đến lúc bảo tàng phải có một cuộc đổi mới về nhận thức, năng lực và hoạt động để tiến tới một sự phát triển lâu dài và bền vững.
Tôi muốn dành phần kết của bài viết này để biểu thị tình cảm tốt đẹp, sự trân trọng và đánh giá cao của chúng tôi với đồng nghiệp ở Bảo tàng Tôn Đức Thắng, nhiều thế hệ đã nỗ lựclàm việc để xây dựng bảo tàng này thành một địa chỉ văn hóa của thành phố và cả nước. Thực sự, tôi cảm nhận, họ đã và đang học điều gì đó từ đạo đức cao đẹp của Bác Tôn kính yêu phải thể hiện ở sự đoàn kết chia sẻ khi khó khăn, sự hợp tác hỗ trợ lẫn nhau và lối sống giản dị, khiêm tốn, ham học hỏi. Và bao trùm lên tất cả tinh thần trách nhiệm lòng say mê nghề nghiệp. Những điều đó đã góp phần làm nên thành tích của bảo tàng Tôn Đức Thắng trong 20 năm qua và hôm nay xin chúc các bạn đồng nghiệp tiếp tục thành công./.
Tài liệu tham khảo
1. Gaynor Kayanagh ed. (2002), Museum Provision and Professionalism (reprinted), Routledge, London.
2. International Council of Museums (2004), ICOM Code of Ethics for Museums.