CÁC ĐỊA ĐIỂM, DI TÍCH LƯU NIỆM CHỦ TỊCH TÔN ĐỨC THẮNG

CÁC ĐỊA ĐIỂM, DI TÍCH LƯU NIỆM CHỦ TỊCH TÔN ĐỨC THẮNG

Ngày đăng: 04/01/2024
In Trang
Cỡ chữ

    Hiện nay, cả nước có 09 di tích liên quan đến Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã được các cơ quan chức năng công nhận, xếp hạng di tích (với 03 di tích quốc gia đặc biệt, 03 di tích quốc gia, 03 di tích cấp tỉnh) và 43 địa điểm khác được gắn đặt bia lưu niệm. Bảo tàng Tôn Đức Thắng giới thiệu sơ lược một số di tích và địa điểm tiêu biểu, gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

    DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

    1. Di tích lịch sử Khu Lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

    - Địa chỉ: Cù lao Ông Hổ, ấp Mỹ An 2, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.

    - Công nhận di tích lịch sử quốc gia, năm 1984.

    - Xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, năm 2012.

    Nhà lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, nơi Bác Tôn được sinh ra và sống thời niên thiếu (1888 – 1906).

     

    2. Di tích Nhà tù Côn Đảo, nơi Chủ tịch Tôn Đức Thắng và những chiến sĩ cách mạng bị thực dân Pháp giam cầm. Đây cũng là nơi Người tham gia thành lập Chi bộ Cộng sản ở nhà tù Côn Đảo và hoạt động cách mạng (1930 - 1945). 

    - Địa chỉ: Huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

    - Công nhận Di tích lịch sử - văn hóa, năm 1989.

    - Xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, năm 2013.

    Xà lim số 15, nơi đã từng giam giữ đồng chí Tôn Đức Thắng tại nhà tù Côn Đảo.

     

    3. Di tích ATK Tân Trào

     Di tích Nhà ở và làm việc, Hầm an toàn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng và nơi làm việc của Ban Thường trực Quốc hội, Mặt trận Liên Việt (cuối năm 1952 đến 7/1954).

    - Địa chỉ: Thôn Chi Liền (nay là thôn Đồng Mà), xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

    - Công nhận di tích lịch sử quốc gia năm 2000.

    - Xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, năm 2012.

    Lán, nơi ở và làm việc của Chủ tịch Tôn Đức Thắng

    tại Thôn Chi Liền (nay là thôn Đồng Mà), xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

     

    DI TÍCH QUỐC GIA

    1. Di tích lịch sử trường Lasal Taberd, nơi tiếp đón đoàn chính trị phạm từ Côn Đảo trở về (ngày 23 tháng 9 năm 1945), trong đó có Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

    - Địa chỉ: Số 53 đường Tôn Đức Thắng, Phường 6, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.

    - Công nhận di tích lịch sử quốc gia, năm 1992.

    Trường Lasal Taberd nơi đón Chủ tịch Tôn Đức Thắng cùng những người tù chính trị từ nhà tù Côn Đảo trở về đêm 23/9/1945

     

    2. Di tích Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại khu vực Ba Son.

    - Địa chỉ: Số 2 đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

    - Công nhận di tích lịch sử quốc gia, năm 1993. Điều chỉnh tên gọi và khoanh vùng bảo vệ, năm 2016.

    Trước năm 2016, di tích lịch sử quốc gia Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Xí nghiệp Liên hợp Ba Son là Xưởng cơ khí 323, được công nhận theo Quyết định số 1034-VH/QĐ ngày 12/8/1993 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

     

    Xưởng cơ khí 323

    Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Xí nghiệp Liên hợp Ba Son được công nhận di tích lịch sử quốc gia vào năm 1993.

    Ba Son là nơi Chủ tịch Tôn Đức Thắng từng làm thợ và hoạt động cách mạng trong hai thập niên đầu của Thế kỷ XX. Tháng 8/1925, dưới sự lãnh đạo của Công hội bí mật do Tôn Đức Thắng thành lập, 1.000 công nhân Ba Son đã đình công đòi tăng lương, giảm giờ làm việc nhưng thực chất là làm chậm việc sửa chữa chiến hạm Jules Michelet của Pháp để sang đàn áp cách mạng Trung Quốc.

    Cùng với việc di dời Xí nghiệp Liên hợp Ba Son (nay là Tổng Công ty Ba Son) và quy hoạch khu Trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son, di tích Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Xí nghiệp Liên hợp Ba Son đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch điều chỉnh tên gọi và khoanh vùng bảo vệ, với tên gọi là Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại khu vực Ba Son, gồm: Ụ tàu nhỏ và triền nề (theo Quyết định số 1269/QĐ-BVHTTDL ngày 30/3/2016).

    Khu vực ụ tàu nhỏ và triền nề Ba Son vào năm 1943 

    3. Đình Bình Đông, nơi Chủ tịch Tôn Đức Thắng chọn làm cơ sở cất giấu tài liệu tuyên truyền cách mạng, hội họp và tập luyện võ thuật của hội viên Công hội và hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên vào những năm 1920 - 1929.

    - Địa chỉ: số 2491/25 đường Phạm Thế Hiển, Phường 7, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh.

    - Công nhận di tích lịch sử quốc gia, năm 1997.

    Đình Bình Đông

     

    DI TÍCH CẤP TỈNH

    1. Di tích ngôi nhà ông Trần Đình Túy (Ông ngoại bà Đoàn Thị Giàu – phu nhân của Chủ tịch Tôn Đức Thắng). Nơi diễn ra đám cưới của Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1921) và là nơi Người hoạt động cách mạng (1921 - 1927).

    - Địa chỉ: Xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

    - Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang công nhận di tích lịch sử năm 2000.

    Ngôi nhà ông Trần Đình Túy

     

    2. Di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (Nơi Bác Tôn về họp Xứ ủy và Ủy ban hành chánh kháng chiến Nam bộ để chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam bộ vào tháng 10/1945). 

    - Địa chỉ: Xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.

    - Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp xếp hạng di tích lịch sử, năm 2008. 

    Nhà lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Đồng Tháp

     

    3. Di tích Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng thuộc nông trang Nam bộ của cán bộ miền Nam tập kết, Bác Tôn thường nghỉ ngơi mỗi khi về thăm hỏi, động viên nông trang viên, từ năm 1954 đến đầu những năm 1960.

    - Địa chỉ: Xã Tiên Cường, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.

    - Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng xếp hạng di tích lịch sử, năm 2005.

    Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Hải Phòng

     

    CÁC ĐỊA ĐIỂM LƯU NIỆM CHỦ TỊCH TÔN ĐỨC THẮNG ĐÃ ĐƯỢC GẮN ĐẶT BIỂN LƯU NIỆM

    1. Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, nơi Bác Tôn theo học niên khóa 1915 - 1917. Tháng 9/1916 Bác Tôn bị động viên sang Pháp làm lính thợ trong lực lượng hải quân Pháp.

    - Địa chỉ: Số 65 đường Huỳnh Thúc Kháng, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

    - Năm 1996, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đặt biển lưu niệm nơi Bác Tôn từng học làm thợ.

    Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng

     

    2. Nhà ông Nguyễn Văn Lá ở xóm (bản) Đồng Mụa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Nơi đây, năm 1948 Bác Tôn cùng với cơ quan trung ương đã họp và làm việc, bàn về một số kế hoạch trong cuộc kháng chiến của Nhân dân ta chống thực dân Pháp.

    Ngôi nhà ông Nguyễn Văn Lá

    3. Ngôi nhà số 35 đường Trần Phú, Quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội -nơi Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã ở và làm việc từ năm 1959 đến năm 1980.

    Năm 1998, Thành ủy, Ủy ban nhân dân, Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thành phố Hà Nội đã phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bảo tàng Tôn Đức Thắng tổ chức gắn biển lưu niệm tại ngôi nhà số 35 đường Trần Phú, với nội dung: Tại ngôi nhà này, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã ở và làm việc từ năm 1959 đến ngày 30 tháng 3 năm 1980.

    Ngôi nhà số 35 đường Trần Phú, Quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội

    Ghi rõ nguồn baotangtonducthang.vn khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.

    Giờ mở cửa

    Bảo tàng Tôn Đức Thắng tổ chức phục vụ hoạt động thăm viếng, dâng hoa, dâng hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng (số 5 đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) kể từ ngày 25 tháng 7 năm 2024 (Thứ Hai đến Thứ Sáu hàng tuần hoặc theo đăng ký của các tổ chức, cá nhân).
    Buổi sáng: Từ 07 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút, 
    Buổi chiều: Từ 13 giờ 30 phút đến 17 giờ.

     

    Địa chỉ

    Xem bản đồ chỉ đường
    Đăng ký tham quan