Nguyễn Đình Phấn
Di sản viên hạng III, Phòng Kiểm kê - Bảo quản Bảo tàng Tôn Đức Thắng.
Cùng với các công tác khác, công tác bảo quản hiện vật tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã đạt được những kết quả nhất định, việc thực hiện tốt các phương pháp bảo quản giúp “chăm sóc” tốt các hiện vật, tài liệu nhằm kéo dài tuổi thọ ở hiện tại và trong tương lai. Bài viết đề cập tới thực trạng công tác bảo quản tại kho cở sở của Bảo tàng Tôn Đức Thắng; Các giải pháp trong công tác bảo quản phòng ngừa và trị liệu. Bên cạnh đó cũng định hướng cho công tác tổ chức kho, bảo quản hiện vật, tài liệu trong tương lai khi tiếp nhận công trình mới nhằm gìn giữ và phát huy tốt hơn nữa những giá trị văn hóa liên quan tới Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Công tác bảo quản hiện vật, tài liệu tại kho cơ sở
Hiện vật bảo tàng được hiểu là những di sản văn hóa bao gồm: Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, các tư liệu về di sản văn hóa phi vật thể đã được vật thể hóa và các mẫu vật tự nhiên, thuộc đối tượng nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày, giới thiệu phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và loại hình bảo tàng. Hiện vật bảo tàng là “linh hồn” của bảo tàng vì vậy chúng ta cần làm tốt công tác bảo quản hiện vật. Bảo quản hiện vật bao gồm: Bảo quản phòng ngừa là các biện pháp được sử dụng để ngăn ngừa tối đa quá trình hủy hoại tự nhiên của hiện vật và tác động hủy hoại hiện vật do thiên nhiên hoặc con người gây ra. Bảo quản trị liệu là các biện pháp khoa học và kỹ thuật được sử dụng nhằm loại trừ nguyên nhân gây hại và ổn định tình trạng hiện vật. Thực hiện tốt các phương pháp bảo quản giúp “chăm sóc” tốt các hiện vật, tài liệu nhằm kéo dài tuổi thọ hiện vật, tài liệu ở hiện tại và trong tương lai.
Hiện nay, kho cơ sở Bảo tàng Tôn Đức Thắng đang lưu giữ 16.988 hiện vật, tài liệu, trong đó có 1.381 hiện vật gốc liên quan tới cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Kho cơ sở của bảo tàng là kho tổng hợp với nhiều chất liệu khác nhau: Đồ dệt, gỗ, giấy, kim loại, đá - đá quý, gốm - sứ, thạch cao, phim nhựa, ảnh, băng đĩa ghi hình, ghi tiếng,…Hiện vật được sắp xếp từng tủ, ngăn thuận tiện cho việc bảo quản và phục vụ nghiên cứu, việc tìm kiếm hiện vật, tài liệu cũng trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn. Đơn vị cũng được trang bị các thiết bị bảo quản như: Máy điều hòa không khí, máy hút ẩm, tủ hút ẩm, hệ thống phòng cháy chữa cháy, các vật dụng khác phục vụ công tác bảo quản,...Để đảm bảo hiện vật, tài liệu không bị xuống cấp viên chức bảo quản luôn quan tâm đến từng hiện vật. Đối với những hiện vật dễ bị tổn thương sẽ được bảo quản trong tủ riêng với các ngăn và hộp riêng biệt. Các hiện vật được sắp xếp ổn định và lót phía dưới, phủ lên trên một lớp sợi tổng hợp (hoặc vải cotton) giúp ngăn chặn bụi bẩn bám vào, đồng thời tránh để hiện vật tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng. Những tấm phủ cũng thực hiện tốt chức năng như vùng đệm chống lại sự dao động của môi trường. Hiện vật được cung cấp đầy đủ giá đỡ nhằm giảm thiểu những va chạm vật lý, góp phần nâng cao tuổi thọ cho hiện vật. Lối ra vào kho luôn đảm bảo được thông thoáng để việc di chuyển trong kho luôn dễ dàng, đủ rộng để tiếp cận với hiện vật, tài liệu trong quá trình kiểm tra, vận chuyển đảm bảo hạn chế tối đa sự xếp chồng. Các hiện vật, tài liệu rất dễ bị “tổn thương” và hư hại trong quá trình cầm nắm, vận chuyển, vì vậy việc cầm nắm hiện vật tài liệu luôn được viên chức thực hiện công tác bảo quản quan tâm và thực hiện đúng các quy định.
Viên chức nghiệp vụ kiểm tra hiện vật.
Môi trường là một trong những nhân tố dẫn đến sự hư hại hiện vật, tài liệu trong bảo tàng. Để kiểm soát tốt các yếu tố môi trường, viên chức thực hiện công tác bảo quản luôn quan tâm và tìm hiểu về môi trường khí hậu, vật lý, sinh học, địa lý,... Tất cả yếu tố môi trường được ghi chép, nghiên cứu, tổng hợp trước khi xác định các biện pháp thích hợp. Độ ẩm tương đối, nhiệt độ và ánh sáng là những tác nhân góp phần làm nguy hại tới hiện vật, tài liệu. Nếu nhiệt độ và độ ẩm có sự dao động mạnh sẽ dẫn tới một loạt vấn đề như: Các nguy cơ hư hại về mặt vật lý (cong vênh, rạn, vỡ, nứt nẻ, chia tách,...); Sự hư hại về mặt hóa học (oxi hóa); Sự tấn công từ côn trùng hoặc nấm mốc,...Để hạn chế những tác nhân hư hại kể trên kho phải ổn định độ ẩm tương đối và nhiệt độ ở mức an toàn nhất. Bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị, viên chức thực hiện công tác bảo quản thường xuyên kiểm tra, theo dõi, điều chỉnh các thiết bị điện tử. Các thiết bị vận hành 24/24 giờ nhằm đảm bảo nhiệt độ kho luôn được duy trì ổn định ở mức 22 - 24 độ C, độ ẩm 45 - 55%. Đối với ánh sáng được hạn chế một cách tối đa, chỉ bật đèn khi cần thiết trong quá trình làm việc và kiểm tra kho.
Tủ hút ẩm - Kho cơ sở Bảo tàng Tôn Đức Thắng.
Yếu tố côn trùng, nấm mốc có thể gây ra những hư hại nghiêm trọng cho hiện vật bảo tàng, chúng có nguồn gốc hữu cơ trong các sưu tập. Hiện nay việc kiểm soát côn trùng, nấm mốc gặp nhiều khó khăn vì những hóa chất sử dụng cho côn trùng và nấm mốc có thể có ảnh hưởng nghiêm trọng đến con người cũng như có thể gây hư hại cho hiện vật, tài liệu, khi đã bị nấm mốc và côn trùng tấn công thì sẽ gây ra hư hại rất lớn vì vậy viên chức thực hiện bảo quản luôn thực hiện các biện pháp nhằm phòng ngừa nấm mốc côn trùng gây hại như kiểm soát độ ẩm tương đối đảm bảo độ ẩm tương đối luôn ổn định. tạo sự lưu thông không khí trong kho và nhiệt độ phù hợp. Hàng ngày, theo dõi tất cả các hiện vật, tài liệu dễ phát sinh nấm mốc, phát hiện dấu vết của nấm mốc, côn trùng động vật gây hại thì xử lý đặt bẫy côn trùng. Nếu cần thiết phải cách ly hiện vật, tài liệu và thực hiện phương pháp tối ưu và thích hợp nhất để loại bỏ nấm mốc, côn trùng động vật gây hại.
Trong những năm gần đây, cùng với việc bảo quản phòng ngừa thì công tác bảo quản trị liệu cũng được đơn vị ngày càng chú trọng. Việc thực hiện bảo quản hiện vật có sử dụng dung môi, hóa chất tác động trực tiếp vào hiện vật, tài liệu đều được lên phương án chi tiết và được Hội đồng khoa học của đơn vị thông qua. Bảo tàng cũng luôn tạo điều kiện cho viên chức thực hiện bảo quản học tập nâng cao trình độ, tay nghề trong thực hành bảo quản bằng cách tham gia các lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm trong hệ thống các đơn vị bảo tàng và Cục Di sản văn hóa tổ chức. Đơn vị cũng định hướng phương án tuyển dụng viên chức thực hiện công tác bảo quản chuyên ngành hóa, lý, sinh,...
Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã ban hành một số quy định nội bộ về công tác quản lý và bảo quản hiện vật, tài liệu thuộc đơn vị như: “Nội quy kho”, “Quy định quản lý hiện vật, tư liệu thuộc Bảo tàng Tôn Đức Thắng”, “Quy định về bảo quản hiện vật thuộc Bảo tàng Tôn Đức Thắng”. Những quy định nội bộ đã đáp ứng nhu cầu thực tiễn tại đơn vị, thống nhất được quy định, quy trình làm việc chung cho công tác quản lý và bảo quản hiện vật, tài liệu. Hướng tới, đơn vị tiến hành thực hiện các giải pháp liên quan tới phương thức chuyển đổi số trong hoạt động của bảo tàng. Nghiên cứu, đề xuất thực hiện các giải pháp ứng dụng công nghệ số, tự động hóa như hệ thống IoT (Internet vạn vật) với định hướng kho bảo tàng theo hướng hiện đại cho phép tiếp cận và vận hành gián tiếp thông qua các thiết bị điện tử không chỉ kiểm soát môi trường, tối ưu hóa trong công tác bảo quản mà còn trong công tác phòng cháy chữa cháy đảm bảo an ninh, an toàn cho hiện vật, tài liệu.
Cùng với các công tác khác của bảo tàng, công tác bảo quản hiện vật tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã đạt được những kết quả nhất định, việc bảo quản hiện vật, tài liệu đúng cách, đúng quy trình là những phần việc không thể tách rời của bảo quản. Trong tương lai, dự án xây mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng hoàn thành, với các kho chuyên biệt theo từng chất liệu, các trang thiết bị bảo quản phù hợp phục vụ tốt cho công tác bảo quản góp phần lưu giữ lâu dài hiện vật, tài liệu, làm cơ sở cho các khâu công tác khác trong nghiên cứu, trưng bày, tuyên truyền phát huy những giá trị di sản văn hóa liên quan đến Chủ tịch Tôn Đức Thắng./.