TS. Hoàng Anh Tuấn
Bảo tàng Lịch sử TP.Hồ Chí Minh
Công nghệ số hiện nay là một trong những thành tựu khoa học có đóng góp rất quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Cùng với một số ngành khoa học khác, công nghệ số đang làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của thế giới hiện đại. Và, trong xu thế chung đó các thiết chế bảo tàng, di sản cũng không nằm ngoài quỹ đạo ảnh hưởng của nó. Ở thập kỷ 90 của thế kỷ XX, UNESCO đã từng khẳng định vai trò quan trọng của công nghệ số đối với ngành di sản:
“Trong lĩnh vực văn hóa công nghệ truyền thông đa diện (multimedia) đã mở ra những khả năng to lớn để phổ cập hóa di sản văn hóa vật thể và phi vật thể để trao đổi liên văn hóa. Được phép sử dụng sản phẩm văn hóa và các dịch vụ truyền thông đa diện thông qua xa lộ thông tin đảm bảo cho từng người khả năng vô tận để giao tiếp với nền văn hóa thế giới cùng với sự đa dạng của nó (UNESCO và xã hội thông tin đối với tất cả mọi người số tháng 5/1996).
Giai đoạn hiện nay, với những thành tựu mới mang tính đột phá của công nghệ số trong cuộc “cách mạng công nghiệp 4.0” sẽ đem lại cho ngành di sản văn hóa nói chung và bảo tàng nói riêng nhiều cơ hội mới cũng như thách thức sẽ phải đối mặt.
Thách thức quan trọng nhất là việc bảo tàng phải cạnh tranh với sự ra đời của các thiết chế văn hóa, các loại hình giải trí khác: rạp chiếu phim 3D, 4D, khu vui chơi phức hợp, nhà hát, trung tâm game…với việc đầu tư về nội dung, hình thức và công nghệ số hiện đại.
Bên cạnh đó là sự ra đời liên tục của nhiều loại hình Bảo tàng khác nhau, dẫn đến sự cạnh tranh giữa bản thân các bảo tàng về tính hấp dẫn và sự khác biệt.
Công chúng-người quyết định sự sống còn của bảo tàng-giờ đây đã có nhiều lựa chọn hơn cho nhu cầu đời sống tinh thần của mình. Chưa bao giờ họ có quyền nhiều hơn đối với nơi cung cấp món ăn tinh thần cho họ, nơi mà sự cảm thụ về lịch sử - văn hóa - khoa học - nghệ thuật đôi khi mang tính áp đặt, khiên cưỡng. Nói khác đi, bảo tàng đang đứng trước những yêu cầu cạnh tranh trong một môi trường cực kỳ khó khăn.
Ngay từ những thập niên cuối của thế kỷ XX, người ta cũng thấy được những nỗ lực chuyển mình của Bảo tàng trên thế giới bằng việc đa dạng hóa hoạt động và ứng dụng đồng bộ các thành tựu khoa học kỹ thuật trong nhiều lĩnh vực hoạt động. Việc đầu tư, ứng dụng công nghệ trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản tại các bảo tàng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và hoạt động là một xu hướng tất yếu xuất phát từ nhận thức của bảo tàng trước những cạnh tranh khốc liệt của kinh tế thị trường trong xu hướng toàn cầu hóa.
Những bản khảo sát khách tham quan bảo tàng gần đây nhất được tập hợp cho thấy, thực tế hiện nay đối tượng khách tham quan các bảo tàng và di sản văn hóa không phải là đối tượng khác biệt so với các loại công dân khác. Và do đó, câu hỏi: điều gì tạo ra sự khác biệt làm cho bảo tàng được chú ý, thu hút công chúng giúp bảo tàng có được lợi thế cạnh tranh đối với các thiết chế văn hóa, giải trí khác?
1. Sự cáo chung của mô hình bảo tàng truyền thống:
“Bảo tàng truyền thống” ở trong hơn một thế kỷ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự kết nối giữa các đối tượng khác nhau theo thời gian và không gian. Từ những mô thức thuần túy mang tính kinh viện, nghiêm cẩn mà người ta ví như là những “thánh đường tri thức” với những hiện vật khô khan, bản trích tẻ nhạt, mô hình thô cứng… trong thời kỳ bảo tàng sơ khai, bảo tàng đã đi qua những chặng đường dài để đưa những giá trị văn hóa, lịch sử của nhân loại đến với công chúng. Bằng cách kể câu chuyện của mình, Bảo tàng đã sử dụng những câu chuyện xung quanh những bộ sưu tập độc đáo của mình để tạo mối liên hệ với những khán giả khác nhau của họ và làm nên sự khác biệt.
Các hoạt động truyền thông mang tính truyền thống của bảo tàng (sách, tờ rơi, chú thích, bảng trích, video, audioguides…) giờ đây đã không còn tạo cho du khách sự hấp dẫn như ban đầu. Những không gian “trải nghiệm”, “tương tác” đối với du khách trong những mô hình truyền thống liên quan chủ yếu với sự tham gia cá nhân của khách tham quan, đặc biệt là trẻ em với các vật phẩm / đồ tạo tác; đã trở thành một mối quan tâm ít hơn, hoặc hoàn toàn thiếu vắng khán giả do thiếu sự cộng tác hoặc tương tác một cách sáng tạo - chúng chỉ hoạt động song song và mô phỏng đơn điệu những gì được trưng bày. Sự giảm sút đáng kể về mặt số lượng khách tham quan tại các bảo tàng cho thấy sự lạc hậu của mô hình bảo tàng truyền thống với mô thức mang tính cách “ định hướng tri thức” trong xã hội hiện tại.
Hiện nay, trong vị thế là đối tác quan trọng và nhiều quyền năng, công chúng không còn giữ vai trò thụ động; người ta đòi hỏi phải được nhận nhiều hơn thế. Và, chính Bảo tàng phải khuyến khích công chúng tham gia vào hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản với vai trò chủ động, tích cực - người góp phần thiết kế, xây dựng, tương tác với di sản hơn là chỉ đóng vai trò là người “tiêu dùng” tri thức, thông tin thụ động. Muốn như vậy, Bảo tàng phải cung cấp cho du khách nhiều cách để học hỏi, trải nghiệm và điều đó có nghĩa là thực đơn của Bảo tàng phải hoàn hảo, thật sự hoàn hảo không chỉ cho các nhóm người, gia đình mà còn phải phù hợp đến từng cá nhân, cho phép họ tự chọn cho mình một phương cách mới, một mô hình hoạt động mới để kết nối với thế giới tri thức xung quanh.
2. Công chúng và tương tác bảo tàng thông minh:
Khái niệm “bảo tàng thông minh” không còn xa lạ với nhiều nước trên thế giới. “Bảo tàng thông minh” là tên gọi hệ thống các bảo tàng áp dụng công nghệ như: bảo tàng trực tuyến (online museum), bảo tàng mạng (Web museum) bảo tàng kỹ thuật số (digital museum), hoặc bảo tàng truyền thống có ứng dụng công nghệ như công nghệ thực tế ảo, thuyết minh tự động....
Các bảo tàng hiện đại trên thế giới đang hướng đến mô hình bảo tàng thông minh với việc đầu tư nhiều công nghệ trong việc phục vụ, nâng cấp trải nghiệm cho công chúng.Và, một trong những nâng cấp đáng giá đó là việc bảo tàng trang bị những hệ thống công nghệ cho phép người dùng tương tác và tìm hiểu thông tin một cách trực tiếp trên hệ thống trình chiếu vô cùng ấn tượng và hấp dẫn.
Nhờ những ứng dụng công nghệ mang tính chất tương tác này mà khách tham quan được tiếp cận các bộ sưu tập bảo tàng với nhiều hình thức khám phá độc đáo. Không cần diện tích trưng bày lớn, tiết kiệm được chi phí, cũng như thời gian tham quan linh hoạt đang là những thế mạnh nổi trội của các bảo tàng hiện đại trong thời đại kỹ thuật số.
Có lẽ hình thức tương tác rõ ràng nhất tại bảo tàng là của công nghệ kỹ thuật số. Tương tác kỹ thuật số là một ví dụ về cách bảo tàng thích nghi với những thay đổi về công nghệ - mà không ảnh hưởng đến việc trải nghiệm của khách tham quan và bảo tàng không còn là không gian truyền thống. Những đổi mới trong công nghệ và các hoạt động truyền thông xã hội đã làm thay đổi kỳ vọng của du khách về hành trình tham quan bảo tàng của họ. Giờ đây, khách truy cập muốn kết nối với bảo tàng và với các khách truy cập khác ở cấp độ cá nhân hơn (Ví dụ: selfie tại bảo tàng, di tích hoặc livestream hoạt động của họ tại đây), điều này nuôi dưỡng một cộng đồng được kết nối độc đáo trong thế giới kỹ thuật số - điều mà trước đây không bao giờ có thể xảy ra trước khi ra đời các công nghệ và phương tiện truyền thông xã hội cho phép ứng dụng và chia sẻ.
Công nghệ số hiện tại cho phép thu thập, lưu trữ và phân tích các hành vi của con người, các bảo tàng có thể tạo ra những trải nghiệm và cách tiếp cận không gian và hiện vật của bảo tàng của khách tham quan hoàn toàn khác so với truyền thống. Những thay đổi về quan điểm của bảo tàng học hiện đại từ việc đánh giá cao vai trò trung tâm của hiện vật với tính cách đơn lẻ thì nay gắn liền với với bối cảnh sản sinh ra hiện vật (lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, kỹ thuật, xã hội...) và các thông tin liên quan. Công nghệ số cho phép tạo mối liên kết chặt chẽ và đa dạng hơn giữa hiện vật với bối cảnh, do đó nhiều loại thông tin từ hiện vật được cung cấp giúp người xem hình dung, trải nghiệm và tái tạo lại những giai đoạn lịch sử văn hóa theo điều kiện không gian và thời gian.
Một ví dụ từ trưng bày “Khủng long bay” của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên NewYork (Mỹ); từ những thành tựu nghiên cứu khoa học của các ngành: cổ sinh học, địa chất, nhân chủng… về loài khủng long bay đã bị tuyệt chủng các nhà cổ sinh vật học của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên đã làm việc trên bộ xương khủng long bay rất toàn vẹn mà họ sở hữu cũng như tham khảo hơn 40 nghiên cứu về sinh vật lý thú này. Tiếp đó, các nhà khoa học dùng máy tính phục dựng từng phần cơ bắp của quái vật tiền sử, rồi đến da và những chi tiết bên ngoài dựa trên khung xương hiện tồn, và trên những bằng chứng tư liệu khảo cổ. Tại gian trưng bày có nhiều góc nhỏ trình chiếu phim 3D về đời sống phục dựng của loài khủng long này, có nhiều màn hình chạm để du khách tìm hiểu về từng ngóc ngách đời sống sinh vật; đặc biệt góc tương tác được thiết kế với công nghệ thực tế ảo và tương tác hữu hình cho phép du khách “ hóa thân” thành khủng long bay hiển thị trên những màn hình cực đại trải nghiệm về không gian sinh tồn của nó.
Công nghệ số trong tương lai chắc chắn sẽ còn mang đến những trải nghiệm bất ngờ cho du khách đến các bảo tàng, nhưng chúng sẽ chỉ thật sự có ý nghĩa và “sống” nếu chất liệu đưa vào công nghệ được lấy cảm hứng từ các bộ sưu tập hiện vật và từ thông tin, thành tựu, kết quả nghiên cứu khoa học và những ý tưởng mà các chuyên gia bảo tàng xây dựng trên những khảo sát từ chính công chúng và sau đó kết nối với các công chúng tiềm năng.
Bảo tàng của thế kỷ XXI sẽ là không gian tiếp xúc và kết nối giữa con người, các bộ sưu tập và ý tưởng sáng tạo khoa học thông qua công nghệ. Bảo tàng của tương lai phải là sự đa dạng của các phong cách thể hiện và mô thức trình bày, trong đó tương tác thông qua phương pháp tiếp cận thực nghiệm, công nghệ, trong đó nghệ thuật (từ địa điểm hoặc thời gian xác định) được hiểu là một công cụ để tạo nên một số tác động hay ấn tượng nhất định đối với du khách.
Ví dụ: về triển lãm “Nghệ thuật của hương thơm (1889–2012)” tại Bảo tàng Nghệ thuật và Thiết kế ở New York (the Museum of Art and Design in New York), trong một phòng trưng bày có vẻ trống rỗng, du khách sẽ sử dụng mũi của họ để cảm nhận. Cảm giác về mùi có thể không hiệu quả trong việc truyền đạt nội dung trí tuệ, nhưng nó rất mạnh mẽ trong việc kích thích ký ức và phản ứng cảm xúc.
Cảm ứng và chuyển động được thể hiện trong các cài đặt ánh sáng trong một gian trưng bày tương tác do Takahiro Matsuo thiết kế tại Bảo tàng. Màu sắc đại dương gian phòng này mô phỏng một biển sứa, dưới nước phát sáng phản ứng với chuyển động của người xem-đây là một trải nghiệm tương tác độc đáo trong việc sử dụng công nghệ số cảm ứng ánh sáng.
Việc nghiên cứu, khảo sát, chọn đối tượng công chúng và xây dựng mô hình tương tác cũng là những yếu tố quan trọng cho việc thực hiện thành công một chủ đề mà bảo tàng muốn đề cập.
Ví dụ: về ứng dụng săn tìm kho báu “Traiblazers” của Bảo tàng Úc tập trung và hướng tới đối tượng trẻ em. Trò chơi này thông qua việc gợi lên sự tò mò từ công chúng trẻ trong việc tham gia khám phá bảo tàng để phục vụ cho việc học tập.
Bằng việc yêu cầu khách tham quan thu thập các vật phẩm dành cho nhân vật mà họ“ hóa thân” hoạt động trong trò chơi rải rác có tại các phòng trưng bày Bảo tàng, du khách tự động tìm đến các bộ sưu tập bảo tàng, tự trải nghiệm và lựa chọn cho mình những sản phẩm phù hợp để hoàn thành trò chơi. Qua khảo sát cho thấy có 28% khách tham quan tham gia trò chơi 2 lần và đa phần là thiếu nhi. Và đây là một thử nghiệm tương tác khá thành công của Bảo tàng Úc.
Tuy nhiên, thách thức từ xu hướng, nhu cầu “tương tác” tại “bảo tàng thông minh”cũng sẽ nảy sinh đó là trong khi bảo tàng tập trung nhiều hơn vào trải nghiệm chủ quan của người xem, sẽ có sự gia tăng tương xứng về nhu cầu đo lường định lượng (hoặc ít nhất là định tính) để thật sự hiểu được kết quả từ mục tiêu của bảo tàng đặt ra trong việc truyền tải thông tin từ các bộ sưu tập đến công chúng một cách sâu sắc, ấn tượng nhất. Và rõ ràng, việc trưng bày, giới thiệu các sưu tập hiện vật gốc (đặc biệt là giới thiệu các hiện vật độc bản) sẽ vẫn là một ưu tiên quan trọng hàng đầu trong hoạt động truyền thông của bảo tàng trong điều kiện mà các hệ thống giao tiếp cá nhân; sự tương tác với công chúng thông qua công nghệ số sẽ tiếp tục được đánh giá cao nhưng quan trọng hơn cả là trong tương lai công chúng, du khách tham quan bảo tàng sẽ được trao quyền truy cập, quyền tiếp cận với các bộ sưu tập gần gũi hơn. Sự kết hợp công nghệ số trong trưng bày bảo tàng đã làm phong phú hơn thông tin cho những hiện vật được trưng bày chưa kể tính hấp dẫn, gợi mở mà công nghệ đem lại qua các giải pháp xử lý của chúng. Trước đây, trong mô hình các bảo tàng truyền thống, công chúng biết về các hiện vật trong bảo tàng qua việc chiêm ngưỡng hiện vật từ xa qua tủ kính bảo vệ, đọc chú thích và xem tờ rơi được in sẵn. Với bảo tàng thông minh, mọi chuyện đã khác, với quyền truy cập được trao công chúng được tiếp cận với khối lượng thông tin đồ sộ dưới nhiều dạng thức: file text, ảnh 3D, Video Clip… đã số hóa liên quan đến các hiện vật trong bảo tàng. Việc đến tham quan bảo tàng hiện tại không chỉ còn gói gọn trong nhu cầu nâng cao tri thức đơn thuần mà còn là nơi thư giãn, giải trí, một điểm đến không thể thiếu cho công chúng địa phương với tư cách là “ngôi nhà chung” của họ. Công nghệ số của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã chứng minh một sự thật hiển nhiên rằng có những mô hình thực tế ảo nhưng đã thu được giá trị thật trong đời sống của bảo tàng hiện đại.
Tại Việt Nam số bảo tàng, khu trưng bày có ứng dụng công nghệ số trong trưng bày hiện cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay như: Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Lịch sử Quân sự, Bảo tàng Dân tộc học, Khu trưng bày khảo cổ dưới lòng tòa nhà Quốc hội. Tại thành phố Hồ Chí Minh cũng có 3 điểm tham quan được thí điểm công nghệ mới là: Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ và Khu di tích Địa đạo Củ Chi. Trong tương lai, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 cũng sẽ không cho phép hệ thống bảo tàng tại Việt Nam đứng ngoài quỹ đạo phát triển chung trong tiến trình toàn cầu hóa. Câu trả lời dường như vẫn đang còn ở phía trước...
3. Con người trong kỷ nguyên kỹ thuật số:
Như vậy, có thể thấy xu hướng ra đời của “bảo tàng thông minh” trong kỷ nguyên kỹ thuật số sẽ dần thay thế một phần những mô thức bảo tàng truyền thống xuất phát từ xu thế, thị hiếu và lợi ích của công chúng. Công nghệ bảo tàng sẽ không phải là mục tiêu cuối cùng cho bảo tàng, nhưng thay vào đó sẽ hoạt động như một phương tiện để giúp tạo ra một sự hiểu biết sâu sắc hơn cho mỗi du khách. Độ sâu của sự hiểu biết đến từ việc dành thời gian quan sát và nghiên cứu những tư liệu hiện vật gốc. Đây cũng là quan điểm mà David Franklin, giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Cleveland (Hoa Kỳ)-một trong những bảo tàng hàng đầu của Mỹ về ứng dụng công nghệ số bày tỏ: "Chúng tôi không muốn tạo ra một khu ổ chuột công nghệ"; và như phát biểu của Jake Barton- người sáng lập dự án bảo tàng địa phương "Công nghệ mà chúng tôi muốn làm phải dựa trên cơ sở các tác phẩm nghệ thuật."
Thực tế đúc kết từ những bảo tàng ứng dụng công nghệ số hiệu quả trong hoạt động, đó là các nhà quản lý bảo tàng không nên suy nghĩ bắt đầu bằng việc có thể áp dụng những công nghệ gì trong đổi mới hoạt động của mình mà phải xuất phát từ nhận thức là công chúng-khách hàng của họ cần gì trước khi thiết kế một trải nghiệm cho họ? Thay đổi trải nghiệm của công chúng từ những câu chuyện kể chân thực của hiện vật, của sưu tập bảo tàng bằng việc trao quyền truy cập, tương tác thu hút, khám phá tri thức thông qua công nghệ. Điều này đòi hỏi bảo tàng phải luôn “mở cửa”, phải có tiếp cận “đa điểm” vì bảo tàng là nơi chia sẻ các bộ sưu tập và nơi thu thập các hệ thống tri thức khác nhau liên quan đến nhiều đối tượng và ngành nghề khác nhau.
Tài chính là một trong những vấn đề quan trọng không thể không đề cập đến trong việc ứng dụng công nghệ vào trong bảo tàng để tạo nên sự hấp dẫn của nó, tuy nhiên yếu tố then chốt để tạo nên sự thành công của một bảo tàng vẫn chính là việc đầu tư cho con người-nguồn nhân lực bảo tàng, người sẽ đắp phần “da thịt “vào bộ xương “công nghệ” để tạo nên một hình hài hoàn chỉnh cho nhân vật trong “vở diễn” tương lai của họ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Emily Ingram.5 Ways Digital Solutions Are Driving Museums Into The Future -https://www.linkedin.com/pulse/5-ways-digital-solutions-driving-museums-future-emily-carroll
2. Vom Lehn, D., Heath, C. & Hindmarsh, J. (2001). Exhibiting interaction: Conduct and collaboration in museums and galleries. Symbolic Interaction, 24(2).
3. Crowley, K. (2000). Building islands of expertise in everyday family activity: Musings on family learning in and out of museums. Pittsburgh, PA: Museum Learning Collaborative.
4. Leinhardt, G., Crowley, K. & Knutson, K. (2002).Learning conversations in museums. Mahwah, NJ: Laurence Erlbaum Associates.